Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Bệnh phong và những điều cần biết
19/04/2023

Hơn 20 năm đến nay, Tân Phú chưa phát hiện bệnh nhân mới mắc bệnh phong, nhưng chúng ta không đươc phép chủ quan bởi bệnh phong có thời gian ủ bệnh dài trung bình từ 3-5 năm thậm chí đến 10 năm.

Vậy Bệnh Phong là gì ?

 (dân gian còn gọi là bệnh hủi hay bệnh cùi) là bệnh nhiễm khuẩn do một vi khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium leprae gây ra. Vi khuẩn này do một nhà bác học Na Uy tên là Hansen tìm ra năm 1873, nên còn được gọi là trực khuẩn Hansen, và bệnh phong được gọi là bệnh Hansen. Bệnh chủ yếu gây thương tổn ở da, các dây thần kinh ngoại biên, bề mặt niêm mạc của đường hô hấp và mắt. Bệnh có thể để lại những tàn tật vĩnh viễn ở cơ thể.

Đường lây truyền của bệnh phongBệnh phong lây truyền trực tiếp từ người sang người. Mầm bệnh (vi trùng) thải ra từ dịch tiết của bệnh nhân phong qua đường hô hấp và vết thương ở da; Người lành nhiễm phải mầm bệnh chủ yếu qua vùng da bị thương tích và đường hô hấp.

Bệnh phong có tỷ lệ lây nhiễm rất thấp (khó lây), bởi vì: Đối với người có sức đề kháng tốt thì cơ thể có khả năng tiêu diệt mầm bệnh, không bị bệnh; Đối với người có sức đề kháng kém, có điều kiện sống thiếu thốn, nhà ở chật hẹp, ẩm ướt, thiếu ánh sáng, thiếu vệ sinh... thì dễ nhiễm bệnh; Đối với bệnh nhân phong có thể dùng thuốc điều trị cắt đứt nguồn lây ngay ở lần uống đầu tiên, do đó trong điều trị không cần cách ly.

Các biểu hiện của bệnh phong: Người mắc bệnh phong, cơ thể có một trong các biểu hiện sau: Có vùng da thay đổi màu sắc (nghĩa là vùng da giảm hoặc tăng sắc tố hơn bình thường), trên vùng da đó có rối loạn cảm giác (giảm hoặc mất cảm giác sờ mó, nóng, lạnh, đau), hoặc có cảm giác tê bì, kiến bò; Có thể có biểu hiện của tổn thương thần kinh ngoại biên như: Yếu cơ, mỏi cơ: có cảm giác đầu chi bị yếu khi cầm viết, phấn, đũa ăn, cài áo khó khăn hoặc không được; Liệt cơ: liệt không cử động được các ngón hoặc đi rơi dép; Teo cơ, co rút các ngón.

Điều trị bệnh phong: Bệnh phong hiện nay đã có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu, người bệnh được điều trị tại nhà, không cần cách ly và được miễn phí thuốc điều trị; Nếu phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời thì bệnh sẽ khỏi hoàn toàn không để lại di chứng (tàn tật). Trường hợp có biến chứng có thể điều trị nội trú tại các cơ sở y tế.

Những cách phòng ngừa bệnh phongCho đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh phong, mỗi người cần chủ động phòng bệnh hơn chữa bệnh:

Thường xuyên giữ vệ sinh thân thể, tắm rửa bằng xà phòng. Vệ sinh môi trường sạch sẽ, ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Ngay khi có các dấu hiệu của bệnh phong, cần lập tức đến Trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế huyện hoặc Phòng Khám Da liễu tuyến tỉnh càng sớm càng tốt để được tư vấn, khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời thì bệnh càng chóng khỏi, tránh tàn tật có thể xảy ra.

Bệnh Phong không gây chết người nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những tàn tật cho bệnh nhân như: cò ngón, cụt, rụt các ngón tay ngón chân, loét lỗ đáo ở tay,  chân, chân đi cất cần, bàn chân lật, mù lòa, sập sống mũi, vô sinh, … làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người bệnh.

Nếu không may mắc bệnh thì cần bình tĩnh, duy trì tinh thần lạc quan để trách ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như lây lan ra cộng đồng và tiến hành điều trị theo phác đồ từ bác sĩ./.

Võ Thị Huề - TYT Tân Phú.