Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Cách thử tiểu đường tại nhà? Mức đường huyết khuyến cáo?
06/06/2024

Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường cần thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu. Thử tiểu đường có thể thực hiện ngay tại nhà một cách nhanh chóng và dễ dàng bằng các loại máy đo đường huyết.

Ai cần thử tiểu đường tại nhà

Những người được chẩn đoán tiểu đường nên thử đường huyết  tại nhà để kịp thời theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu:

  • Bệnh nhân tiểu đường tuýp 1: Theo dõi đường huyết thường xuyên, ít nhất 3 lần/ ngày.
  • Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2: Theo dõi thường xuyên, đều đặn ngay khi thức dậy, trước khi ăn trưa, ăn tối. Sau khi ăn từ một đến hai giờ hoặc  trước khi đi ngủ và khi tỉnh dậy giữa đêm đều nên kiểm tra đường huyết.

Ngoài ra, cũng có một số các tình huống khác mà người nghi ngờ bị tiểu đường được khuyến khích kiểm tra như:

  • Nghi ngờ đường huyết quá cao, quá thấp
  • Thay đổi thuốc điều trị, thay đổi liều thuốc
  • Thay đổi chế độ ăn, chương trình tập thể dục
  • Uống rượu, đi du lịch, ăn món khác lạ
  • Trước và sau khi tập thể dục
  • Trước khi lái xe, trước khi hoạt động có cường độ tập trung cao
  • Khi mang thai

Thử tiểu đường tại nhà bằng máy đo đường huyết

Dùng máy đo đường huyết tại nhà: Mức đường huyết thường được đo bằng máy đo tại nhà bằng cách chích máu từ đầu ngón tay. Tùy thuộc vào dòng máy mà sử dụng có thể lấy máu ở ngón tay hoặc đùi, bắp chân, cẳng tay... Máu được đặt trên que thử và đưa vào máy đo đường huyết. Sau đó, thiết bị sẽ hiển thị mức đường huyết hiện tại theo miligam glucose trên mỗi decilit máu (mg/dl).

Máy theo dõi glucose liên tục: Thiết bị dùng để theo dõi đường huyết liên tục với một cảm biến nhỏ được cấy ngay dưới da, thường ở cánh tay trên hoặc bụng. Thiết bị này đo nồng độ glucose trong dịch kẽ - dịch nằm trong các khoảng trống giữa các tế bào cứ sau vài phút, trong 24 giờ mỗi ngày. Theo dõi lượng đường liên tục có thể báo cho người bệnh biết khi lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp, tránh trường hợp khẩn cấp.

Nhìn chung thì máy đo đường huyết vẫn phổ biến hơn máy theo dõi glucose liên tục do thiết bị này thường đắt tiền và có thể vẫn cần thực hiện thêm xét nghiệm bằng chích ngón tay truyền thống hai lần mỗi ngày.

Sau khi thử tiểu đường, cũng cần lưu ý các chỉ số đường huyết hiện thị trên máy:

Mức đường huyết khuyến cáo - Ảnh benhvien115.com.vn

Hiện có nhiều loại máy thử tiểu đường tại nhà được bán trên thị trường như máy đo đường huyết Accu-Chek, Beurer, Omron, One Touch,...  lưu ý lựa chọn địa chỉ uy tín để mua được máy chính hãng, tránh kết quả sai sót.

Lưu ý khi thử đường huyết tại nhà

  • Rửa tay sạch với xà phòng, nước ấm và để khô hoàn toàn trước khi thử tiểu đường
  • Nhẹ nhàng xoa bóp các đầu ngón tay, sau đó để bàn tay hướng xuống dọc thân để máu lưu thông đến các đầu ngón.
  • Sát trùng và chờ khô ngón tay trước khi lấy giọt máu.
  • Đâm kim với độ sâu vừa đủ và bóp nhẹ nhàng để có giọt máu tròn trịa khi nhỏ lên que thử.
  • Vệ sinh máy và dụng cụ thử theo đúng hướng dẫn.
  • Nên thay kim thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn, đặc biệt nếu máy thử tiểu đường dùng chung cho cả gia đình cần thay kim ngay khi sử dụng xong. 
  • Ghi loại kết quả sau mỗi lần thử vào sổ để theo dõi và gửi cho Bác sĩ điều trị nắm được.

Một số trường hợp có thể cho kết quả đo đường huyết không đúng ví dụ như cho không đủ máu vào que thử, tay không sạch, que thử hết hạn sử dụng, máy không được định chuẩn,… nên lưu ý để đảm bảo kết quả thử tiểu đường được chính xác nhất./.

Võ Thị Mỹ Nương - Khoa Khám bệnh.