Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Cấp cứu tai nạn do điện giật
06/03/2023

Vào lúc 09 giờ ngày 8/2/2021, Khoa Cấp cứu- Nội tổng hợp thuộc Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông vừa tiếp nhận 01 trường hợp bị điện giật.

Theo lời kể của nạn nhân tên Võ Huỳnh Minh T, sinh năm 1987 địa chỉ ấp Bãi Bùn, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, do đường dây bị chạm mạch nguồn điện mà không hay nên bị điện giật và được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông. Qua quá trình thăm khám của bác sĩ thì bệnh nhân bị bỏng ngón I, II bàn tay (T) và cho nhập viện theo dõi với chẩn đoán là Điện giật bỏng độ I, II ngón I, II bàn tay (T). Bác sĩ cho y lệnh thuốc giảm đau, kháng sinh, kháng viêm, rửa vết bỏng. Điện giật là hiện tượng dòng điện đi qua cơ thể dẫn đến cản trở chức năng của một số bộ phận, làm tổn thương chúng hoặc thậm chí dẫn đến tử vong.Một số nguyên nhân gây điện giật thường gặp như:

  • Thiết bị hoặc dụng cụ điện trong gia đình bị hỏng
  • Dây dẫn điện bị mòn, bị hư hại hoặc bị bong ra do sử dụng quá lâu.
  • Thiết bị điện bị tiếp xúc với nước dẫn tới hiện tượng rò điện.
  • Hệ thống dây điện trong nhà bị hư hoặc bị gắn sai
  • Dây điện bị rớt xuống nhưng chưa ngắt nguồn điện
  • Sét đánh

Hướng dẫn cách phòng tránh tai nạn do điện gây ra

Để phòng tránh điện giật mọi người cần lưu ý những việc sau:

1. Dây điện trong nhà phải được đặt trong ống cách điện và dùng loại dây có vỏ bọc cách điện, có tiết diện dây đủ lớn để dây điện không bị quá tải gây chạm chập, phát hoả trong nhà.

 

2. Phải lắp cầu dao hay áptơmát ở đầu đường dây điện chính trong nhà, ở đầu mỗi nhánh dây phụ và lắp cầu chì ở trước các ổ cắm điện để ngắt dòng điện khi có chạm chập, ngăn ngừa phát hoả do điện.

 

3. Không chạm vào chỗ đang có điện trong nhà như: Ổ cắm điện, cầu dao, cầu chì không có nắp đậy; chỗ nối dây; dây điện trần… để không bị điện giật chết người.

 

4. Không sử dụng dây điện, thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà có chất lượng kém vì dễ gây chạm chập, rò điện ra vỏ gây điện giật chết người và dễ gây phát hoả trong nhà.

 

5. Không tới gần hoặc đưa bất cứ vật gì đến gần đường dây điện 22kV trong phạm vi 2 mét như: Leo lên mái nhà, ban-công, ô-văng; đưa tấm tole, thanh kim loại,… gần đường dây điện để đề phòng điện giật hoặc điện cao áp phóng chết người.

 

6. Không cất nhà ở, công trình gần cột điện cao áp 22kV trong phạm vi 3 mét; khi xây dựng nhà ở, công trình gần đường dây điện cao áp phải liên hệ với ngành Điện để thoả thuận khoảng cách an toàn.

 

7. Khi sử dụng các công cụ điện cầm tay (máy khoan, máy mài…) phải mang găng tay cách điện hạ thế để không bị điện giật khi công cụ bị rò điện.

 

8. Không đóng cầu dao, bật công tắc điện khi tay ướt, chân không mang dép, đứng nơi ẩm ướt để không bị điện giật.

 

9. Không để trang thiết bị điện phát nhiệt ở gần đồ vật dễ cháy nổ để không làm phát hoả trong nhà.

 

10. Các thiết bị điện, đồ dùng điện, cầu dao điện, công tắc, ổ cắm điện… bị hư hỏng phải sửa chữa, thay thế ngay để người sử dụng không chạm phải các phần dẫn điện gây điện giật chết người.

 

11. Không đào đất gần móng cột điện gây khả năng lún, sụt cột; không đắp đất lên cao làm giảm khoảng cách an toàn từ dây dẫn điện đến mặt đất.

 

12. Không lắp đặt ăng-ten, dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo hoặc các vật dụng khác tại các vị trí mà khi đổ, rơi sẽ va quệt vào công trình lưới điện.

 

13. Không quăng, ném, bắn bất kỳ vật gì lên đường dây điện, vào công trình điện.

 

14. Không thả diều, bóng bay, các vật bay khác… trong phạm vi bảo vệ công trình điện.

 

15. Khi phát hiện cột điện đổ hoặc dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ,... người dân không được đến gần và phải cấp báo cho mọi người xung quanh biết, tìm cách lập rào chắn và báo ngay cho tổ điện gần nhất.

Qua trường hợp trên mọi người cần lưu ý để hạn chế tai nạn do điện và đảm bảo an toàn cho mình và mọi người thì chúng ta cần phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc an toàn về điện để tránh có trường hợp đáng tiếc xảy ra./.

ĐD Phan Thị Vân Trang, Khoa Cấp cứu-NTH