Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Chảy máu mũi: Nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa
29/11/2022

Chảy máu mũi (chảy máu cam) là triệu chứng thường gặp trong cuộc sống, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, biểu hiện chảy máu mũi ra cả cửa mũi trước và cửa mũi sau.

1/ Nguyên nhân: có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu mũi, chính vì vậy mức độ trầm trọng của chảy máu mũi cũng rất khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân của nó. Có những chảy máu mũi thông thường rất dễ dàng để xử trí, bên cạnh đó có những chảy máu mũi mức độ lớn có thể đe dọa tính mạng, các nguyên nhân gây chảy máu mũi thường gặp:

a. Toàn thân

- Bệnh lý tim mạch: Tăng huyết áp, dị dạng mạch máu…

- Bệnh lý về máu: Suy tủy, rối loạn chức năng đông cầm máu, suy tủy…

- Bệnh lý mạn tính: Xơ gan, suy thận

- Do dùng thuốc: Thuốc chống đông máu, dùng Corticoid kéo dài

- Nguyên nhân khác: Suy giảm miễn dịch, ngộ độc, các bệnh lý di truyền

b. Tại chỗ

- Viêm nhiễm: Viêm mũi xoang cấp, viêm mũi xoang dị ứng đợt bội nhiễm…

- Chấn thương: Ngoáy mũi, va đập, tai nạn, sau phẫu thuật mũi xoang…

- Do khối U: U mao mạch, U hốc mũi, Ung thư vòm mũi họng, ung thư sàng hàm…

- Do dị vật: Thường gặp ở trẻ em, để lâu dẫn đến viêm loét hoại tử…

- Giải phẫu bất thường: dị dạng mạch máu, phình mạch…

- Nhiễm độc: Hít phải các hóa chất độc hại như acid, kim loại nặng…

c. Chảy máu mũi vô căn: không do các nguyên nhân kể trên.

2/ Chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt: xuất huyết tiêu hóa, ho ra máu.

3/ Xử trí khi bị chảy máu cam

Mặc dù đây là tình trạng khá phổ biến nhưng không vì thế mà chủ quan. Người bị chảy máu mũi nếu không được sơ cứu và điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

Sơ cứu ban đầu: Đây là việc ưu tiên hàng đầu khi có người bị chảy máu mũi. 

- Đặt bệnh nhân ở tư thế ngồi thẳng, đầu hơi ngả về phía trước.

- Bóp chặt cánh mũi và thực hiện thở bằng miệng khoảng 10 - 15 phút đến khi máu chảy chậm hoặc ngừng chảy. 

- Không nên ngả đầu về phía sau vì máu sẽ chảy vào cổ họng gây nôn, vào khí quản gây nên các vấn đề về hô hấp. Nếu có thể thì nên khạc nhổ máu trong cổ họng và miệng ra ngoài.

- Lót 1 khăn mỏng vào mũi rồi chườm đá lạnh lên trên

 

Nếu hiện tượng chảy máu mũi vẫn không dừng lại sau 20 phút, hoặc bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu: trụy mạch, xanh nhợt, toát mồ hôi, thở khó,… thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Quá trình di chuyển phải có người nhà đi theo để có thể xử trí các tình huống bất thường có thể xảy ra trên quá trình di chuyển đến bệnh viện cũng như quá trình điều trị tại bệnh viện.

4. Phòng ngừa chảy máu mũi

Chảy máu mũi thường khó kiểm soát. Tuy nhiên có thể phòng ngừa tình trạng này bằng những cách sau đây:

Hạn chế ngoáy mũi quá nhiều, quá mạnh hoặc tác động tiêu cực đến mũi, vùng mặt.

Khi thời tiết khô hanh, nóng, cần đeo khẩu trang bảo vệ mũi.

Không nên ngồi điều hòa quá lâu, cần thường xuyên thay đổi không khí sinh hoạt và làm việc.

Thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, vệ sinh mũi đúng cách.

Ăn uống đủ chất, đặc biệt là bổ sung đầy đủ vitamin C./.

Trần Phú Sơn - Khoa Khám bệnh.