Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Dị vật đường thở ở trẻ em nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh
05/09/2020

Thời gian vừa qua, tại khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông đã tiếp nhận nhiều trường hợp dị vật đường thở ở trẻ em. Điểm chung cho tất cả các trường hợp này là trẻ nhét hoặc ngậm đồ vật có kích thước nhỏ, hình dạng tròn, nhẵn vào mũi, miệng làm những vật này rơi sâu vào trong đường thở. Dị vật đường thở ở trẻ em nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nặng nề như ngạt thở, suy hô hấp, tổn thương não không hồi phục, thậm chí tử vong.  Thế nhưng hiểu biết rõ về dị vật đường thở thì hoàn toàn có thể phòng tránh được cho con em chúng ta.

1. Dị vật đường thở là gì?

Dị vật đường thở là một tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ từ 1 đến 3 tuổi, do vật lạ rơi vào đường thở gây hẹp hoặc tắc hoàn toàn đường thở.

2. Tác nhân gây dị vật đường thở ở trẻ em thường gặp là gì?

- Thường gặp nhất là các loại đồ chơi có kích thước nhỏ, viên bi, đồng xu, cút áo, trang sức,….do trẻ hay tò mò, thích nhét hoặc ngậm các vật lạ vào mũi, miệng.

- Các loại hạt: đậu phộng, hạt nhãn, hạt mãng cầu, sa bô chê, bắp,…..

- Trẻ sặc thức ăn như cháo, cơm, sữa, các loại thức uống,…trong khi trẻ vừa ăn vừa nô đùa, cười giỡn hoặc khi đang khóc.

- Kẹo viên, thuốc viên, bánh dẻo, thanh socola, nắp bút bi, kẹp giấy,….với tỷ lệ ít gặp hơn.

3. Dấu hiệu nào để nhận biết dị vật đường thở ở trẻ em?

Dấu hiệu dễ nhận biết nhất đó là trẻ đang khỏe mạnh trước đó đột ngột khó thở, ho sặc sụa, tím tái.

Nếu trẻ ho được vật lạ ra bên ngoài thì các triệu chứng trên sẽ giảm đi, trẻ nhanh chóng hồi phục. Nếu không sẽ rất nguy hiểm, tùy theo mức độ gây hẹp đường thở mà trẻ có thể khó thở (mức độ nhẹ) đến ngạt thở, hôn mê, ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ (mức độ nặng).

4. Xử trí như thế nào khi trẻ bị dị vật đường thở?

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí thích hợp. Cần giữ thái độ bình tĩnh, không nên cố gắng móc dị vật đang kẹt trong mũi, miệng ra ngoài vì chưa chắc sẽ lấy ra được mà có khi lại đẩy ngược dị vật vào sâu hơn.

Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, phụ huynh cần giữ yên trẻ ở tư thế thoải mái, đưa nhanh đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và lấy dị vật ra.

Nếu trẻ trong tình trạng nguy kịch không thể vận chuyển đến cơ sở y tế như tím tái, khó thở, khóc yếu phụ huynh cần nhanh chóng gọi cấp cứu, người xung quanh đến hỗ trợ. Trong thời gian chờ cấp cứu cần tiến hành khẩn trương thao tác vỗ lưng, ép ngực nhằm giúp trẻ tống dị vật ra khỏi đường thở.

- Đối với trẻ dưới 2 tuổi, thao tác vỗ lưng, ép ngực được thực hiện như sau:

+ Người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp dọc theo cẳng tay, tựa trên mặt đùi. Ngón trỏ và ngón giữa đẩy cằm trẻ lên làm cổ ưỡn tránh gập đường thở.

+ Vỗ lưng: Dùng gót bàn tay còn lại vỗ mạnh 5 cái vào lưng trẻ ở khoảng giữa 2 bả vai. Nếu dị vật chưa rơi ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực.

+ Ép ngực: Lật ngữa trẻ lại, nằm đầu thấp dọc theo cẳng tay, tựa trên mặt đùi. Ngón trỏ và ngón giữa đẩy sau đầu trẻ lên làm cổ gập. Dùng 2 ngón tay của bàn tay còn lại ấn vào vùng ½ dưới xương ức 5 cái.

Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật sấp trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ép ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc khi có nhân viên y tế đến cấp cứu.

Hình ảnh minh họa. Thủ thuật vỗ lưng, ép ngực ở trẻ dưới 2 tuổi.

- Đối với trẻ trên 2 tuổi thì làm thủ thuật Heimlich:

+ Người sơ cứu đứng hoặc quỳ phía sau, vòng 2 tay qua người trẻ.

+ Đặt 1 bàn tay (các ngón tay đã nắm chặt thành 1 nắm đấm) dưới mũi xương ức.

+ Đặt bàn tay còn lại ôm lấy nắm đấm.

+ Ấn bụng mạnh theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên liên tục 5 lần.

+ Lặp lại thao tác như trên cho đến khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc khi có nhân viên y tế đến cấp cứu.

Hình ảnh minh họa. Thủ thuật Heimlich ở trẻ trên 2 tuổi.

5. Phòng tránh dị vật đường thở cho trẻ như thế nào?

Để xa tầm với của trẻ tất cả các vật nhỏ có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Không cho trẻ cầm các loại đồ chơi, các vật nhỏ dễ khiến trẻ bỏ vào miệng ngậm. Tập cho trẻ thói quen không ngậm bất cứ thứ gì trong miệng.

Cần lấy sạch hạt các loại quả trước khi cho trẻ ăn.

Trẻ thường bị sặc trong khi bú sữa, ăn bột hoặc uống thuốc, vì thế nên đặt trẻ trong tư thế ngồi khi cho bú và không được để trẻ nằm ôm bình bú một mình.

Không nên ép trẻ ăn, uống khi đang khóc hoặc không nên nô đùa, cười giỡn khi đang có thức ăn trong miệng.

Phải khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi ngay cấp cứu khi phát hiện hoặc nghi ngờ dị vật đường thở.

Số điện thoại đường dây nóng 115 hoặc Khoa cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông (0273).3890304./.

Bs. Lê Ngọc Hiền - Khoa CC-NTH