Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Giáo dục sức khỏe, dự phòng và chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tăng huyết áp
05/02/2021

 

Tăng huyết áp thường là một bệnh mạn tính, tiến triển ngày càng nặng dần, nhiều biến chứng rất nguy hiểm có thể đe doạ tính mạng bệnh nhân nếu chúng ta không điều trị và chăm sóc chu đáo. Vì vậy người điều dưỡng khi tiếp xúc với bệnh nhân cần phải nhẹ nhàng, ân cần và biết thông cảm.

1. Giáo dục sức khoẻ:

Giáo dục cho bệnh nhân và gia đình về các nguyên nhân, các yếu tố thuận lợi làm tăng huyết áp

Giáo dục cho bệnh nhân và gia đình cách phát hiện các dấu chứng tăng huyết áp, cách phòng, điều trị và theo dõi bệnh nhân tăng huyết áp.

2. Dự phòng:

Dự phòng cấp I: đối với những người chưa bị tăng huyết áp cần lưu ý vấn đề sinh hoạt hàng ngày nhất là các thói quen có hại sức khỏe phải khám định kỳ để phát hiện tăng huyết áp hay các bệnh liên quan. Trong đối tượng này chú ý đến những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao cho dù những lần đầu chưa phát hiện tăng huyết áp nhưng cần trao đổi tuyên truyền để phối hợp dự phòng cùng nhân viên y tế tuyến trước.

Dự phòng cấp II: đối với người đã tăng huyết áp, cần phải chặt chẽ hơn nữa trong chế độ ăn uống, nghỉ ngơi theo dõi huyết áp đều đặn và có kế hoạch điều trị ngoại trú để theo dõi tiến triển, tác dụng phụ của thuốc. Cần chú ý yếu tố kinh tế trong điều trị vì đây là một liệu trình lâu dài, tốn kém.

Có 6 cách phòng bệnh ngay từ đầu:

- Tránh béo phì.

- Tăng hoạt động thể lực.

- Thay đổi lượng muối trong chế độ ăn (< 2,4g/ngày tương đương với khoảng 6g muối ăn natri clorid).

- Thay đổi lượng rượu bia đối với những người uống quá nhiều. ủy ban quốc gia Hoa Kỳ về phòng chống tăng huyết áp JNC-VII khuyên mỗi ngày chỉ nên uống không quá 1 ounce đối với nam và 1/2 ounce đối với nữ (1 ounce khoảng 29,6 ml rượu whisky).

- Bỏ hút thuốc lá.

- Theo dõi huyết áp.

Khuyên bệnh nhân thay đổi lối sống:

- Giảm cân nếu quá cân.

- Hạn chế uống rượu: trong mỗi ngày uống không quá 30 ml ethanol, tương đương 720 ml bia, 300 ml rượu vang, 60 ml whisky đối với nam giới, nữ giới và người nhẹ cân uống bằng một nửa nam giới.

- Tăng hoạt động thể lực: 30-40 phút hàng ngày.

- Giảm lượng muối ăn vào.

- Duy trì đủ chế độ kali qua chế độ ăn.

- Duy trì calci và magnesi cần thiết.

- Ngừng hút thuốc lá.

- Giảm ăn các chất béo và mỡ bão hòa.

3. Chế độ dinh dưỡng

Nguyên tắc chung:

- Ăn giảm muối, nên sử dụng dưới 6g muối/ngày

- Hạn chế năng lượng đưa vào, nhất là với những người quá béo. Những người không béo chỉ nên ở mức 35-40 kcal/kg/ngày.

- Giảm lipid trong khẩu phần, nhất là những người có vữa xơ động mạch. Nên dùng lipid thực vật. Nên ở mức 25-40g/ngày.

- Protein nên ở mức 60-70 g/ngày, không nên ăn quá nhiều protein động vật

- Glucid: 300-350g/ngày, nên dùng ngũ cốc không xay xát kỹ, hạn chế các loại đường và bánh kẹo.

- Không hút thuốc lá (nicotin làm co mạch)

- Cung cấp đầy đủ khoáng chất, vitamin

- Nước uống vừa phải.

Các loại thực phẩm nên dùng:

- Gạo tẻ, gạo nếp, các loại khoai, đậu đỗ, lạc, vừng.

- Thịt ít mỡ như thịt bò, thịt gà ta, thịt lợn nạc...

- Trứng: nên ăn trứng gà (ít lipid hơn trứng vịt)

- Sữa: nên ăn các loại sữa tách bơ, sữa đậu nành, sữa chua

- Cá, tôm,cua các loại

- Ăn nhiều rau xanh và trái cây (chứa nhiều Kali, Magne, Calci, các vitamin)  nhất lẩu quả giàu vitamin C,E, betacaroten...Nên tăng cường ăn rau húng dổi, ăn tỏi hàng ngày.

- Nên uống chè sen, chè hoa hòe, nước dâu ngô, nước rau luộc.

Các loại thực phẩm không nên dùng:

- Thịt nhiều mỡ, mỡ, nước xương ninh, cá béo (cá mè)

- Các loại phủ tạng: thận, óc, tim, gan, lòng ... vì có nhiều cholesterol

- Nước chè đặc, coffee, thuốc lá, ớt cay

- Các thức ăn muối mặn.

- Đường và các loại bánh, mứt, kẹo... 

ĐD Võ Thị Hồng Cẩm- Khoa Khám bệnh