Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Hen phế quản ở người lớn tuổi mùa Đông Xuân
21/01/2020

Mùa xuân làm muôn hoa đua nở, các loài vật sinh sôi nhanh chóng, nhịp sống của con người cũng trở nên tất bật hơn. Nhưng ta cũng đừng quên chăm sóc sức khỏe bản thân, đặc biệt là những người lớn tuổi để có thể cùng đón một mùa xuân vui vẻ bên gia đình.

Mùa xuân cũng là mùa có nhiều phấn hoa, nấm mốc, côn trùng, bụi.. tạo điều kiện thuận lợi cho những người có cơ địa dị ứng sau khi tiếp xúc với dị nguyên dễ phát sinh ra bệnh tật như viêm mũi dị ứng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thời tiết xuân còn lạnh nên dễ bị viêm phổi. Ngoài ra còn có thể làm cho hen phế quản dễ phát sinh hơn.

Hen phế quản (Asthma) là một bệnh mạn tính biểu hiện bằng viêm đường thở do nhiều tế bào và các thành phần tế bào tham gia. Viêm đường thở mạn tính kết hợp với tăng đáp ứng đường thở dẫn đến những đợt thở rít, khó thở, nghẹt lồng ngực, ho tái diễn; các triệu chứng thường xảy ra về đêm  hoặc sáng sớm; những đợt này thường kết hợp với tắc nghẽn đường thở lan toả và hồi phục tự phát hoặc sau điều trị (GINA: global initiative for asthma).

Trên thực tế đa phần bệnh nhân hen phát hiện bệnh khi còn khá trẻ (50% biểu hiện trước 10 tuổi, tuổi trung bình phát bệnh là 7 tuổi). Tuy nhiên hen ở người lớn cũng chiếm một tỷ lệ cao do hen là một bệnh mạn tính và tỷ lệ khỏi hoàn toàn là khá thấp nên bệnh nhân thường sẽ mang theo gánh nặng bệnh tật từ nhỏ đến lúc trưởng thành. Khi càng lớn tuổi mọi chức năng của cơ thể giảm đi trong đó có chức năng miễn dịch và hô hấp, làm cho tình trạng hen có thể bùng phát nhiều hơn đặc biệt là ở những bệnh nhân nghiện thuốc lá với những biểu hiện như: Ho, thường không có đặc trưng, ho khan; đôi khi thường khạc đờm trắng, quánh, dính (hạt trai); ho thường sau khi khó thở giảm. Có bệnh nhân ho là triệu chứng duy nhất của đợt bùng phát: ho đêm, dai dẳng, tái diễn, tạo nên thể ho đơn thuần của hen phế quản (congh variant asthma). Khó thở, đây là triệu chứng cơ bản và đặc trưng của đợt bùng phát. Thường khó thở thành cơn, khó thở ra, kèm tiếng rít, thường về đêm và sáng. Khó thở từng đợt, tái diễn có chu kỳ theo tuần, tháng hay mùa hoặc khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên, nhiễm trùng, vận động. Khó thở nặng, nhẹ theo từng đợt, có thể tự hết hoặc hết khi dùng thuốc giãn phế quản . Có trường hợp khó thở dai dẳng, liên tục hoặc không khó thở tạo nên thể lâm sàng không điển hình. Nghẹt lồng ngực (tight chest), bệnh nhân cảm giác nghẹt hoặc bó ép lồng ngực. Triệu chứng tăng khi khó thở và giảm khi hết khó thở.

Sẽ hết sức nguy hiểm nếu chúng ta không chủ động phòng ngừa và điều trị tốt những cơn hen vì những cơn hen nặng có thể gây ra những biến chứng hết sức nặng nề như: tràn khí màn phổi, khí phế thũng, xẹp phổi, suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong không điều trị kịp thời. Vậy để phòng ngừa những cơn hen xảy ra ta cần phải làm gì?

Để phòng ngừa những cơn hen ảy ra trong điều kiện mùa xuân, ta cần tránh tiếp xúc với những dị nguyên đã biết từ trước như phấn hoa, lông động vật, con mạc nhà, bụi bẩn, các chất hóa học hoặc khói thuốc lá… Ngoài ra cũng cần giữ ấm cơ thể hoặc không ở trong môi trường có nhiệt độ quá cao vì đôi khi quá nóng hoặc quá lạnh cũng làm khởi phát cơn hen, đối với người đang hút thuốc lá thì cần bỏ ngay vì thuốc lá có thể dẫn đến tình trạng Hen-COPD kết hợp còn được gọi là ACO rất  kém đáp ứng với điều trị, tiêm ngừa cúm cho bệnh nhân lớn tuổi mỗi năm để ngăn ngừa các đợt cảm nặng có thể gây ra một đợt bùng phát hen. Đối với bệnh nhân hen kiểm soát một phần hoặc hen không kiểm soát thì ta càng cần thực hiện những biện pháp như trên, ngoài ra ta còn cần sử dụng thuốc thường xuyên đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Bs. Ngô Nguyễn Minh Trung - Khoa KSBT.