Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Khi nào nên bắt đầu cai sữa mẹ cho bé?
19/04/2023

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, Bộ Y tế khuyên các bà mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn đến sáu tháng tuổi và bú duy trì đến ít nhất hai tuổi. Dẫu vậy theo các chuyên gia dinh dưỡng thì sữa mẹ sẽ chất lượng nhất trong 72h sau sinh (sữa non) và trong 6 tháng sau sinh, sau đó bé càng lớn thì hàm lượng dinh dưỡng càng giảm cũng như không đáp ứng nhu cầu của bé.

Thêm vào đó, nhiều bé lười ăn, biếng ăn, chỉ bú sữa mẹ mà "bỏ qua" những nguồn cung dinh dưỡng khác. Đó chính là lý do mà mẹ nên cai sữa cho bé ở thời điểm thích hợp, đồng thời chuẩn bị thật tốt sao cho việc cai sữa không trở thành “nỗi ám ảnh” cho cả mẹ và bé, bởi việc cai sữa không chỉ ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen sinh hoạt mà còn tác động rất nhiều đến tâm lý các bé.

Và, mẹ không nên nghe theo tuyệt đối lời khuyên cai sữa từ bạn bè, người thân hay thậm chí là người lạ, vì không có cách nào là đúng hay sai để cai sữa cho bé. Mẹ hoàn toàn có thể tự lựa chọn thời điểm phù hợp với mình hoặc để con cai sữa khi con lớn hơn hoặc khi mẹ mong muốn trở lại công việc.

Mẹ cũng lưu ý tránh áp dụng phương pháp cai sữa đột ngột. Các chuyên gia cho rằng việc cai sữa đột ngột có thể gây chấn thương tâm lý cho trẻ và dẫn đến tắc ống sữa hoặc nhiễm trùng vú cho mẹ.

Những cách cai sữa cho con hiệu quả:

Việc cai sữa cho con cần được thực hiện một cách từ từ và kiên nhẫn. Mẹ có thể áp dụng theo một số phương pháp dưới đây:

Giảm cữ bú từng bữa một: Mẹ có thể bắt đầu cho bé bú bình hoặc cốc sữa thay vì cho con bú và thay thế sữa mẹ bằng sữa công thức. Bên cạnh đó, mẹ nên giảm cữ bú từng bữa một trong khoảng thời gian vài tuần để trẻ có thời gian thích nghi. Theo đó, nguồn sữa mẹ cũng sẽ giảm tiết dần theo cách này mà không khiến ngực bị căng sữa hoặc bị viêm vú.

Rút ngắn thời gian mỗi lần cho con bú: Nếu trước đây mẹ thường cho bé bú trong 10 phút thì giờ đây hãy rút ngắn xuống năm phút. Nhưng phải chú ý cho bé ăn các món ăn dặm bổ sung hoặc sữa pha theo công thức để tăng cường dinh dưỡng, thay thế lượng sữa mẹ.

Tăng số bữa ăn trong ngày: Mẹ có thể bổ sung cho bé ăn thêm các bữa phụ với các món ăn ngon, bổ đưỡng để bé không còn cảm giác đói, giảm bớt việc đòi bú mẹ. Tuy nhiên, mẹ hãy lựa chọn những món ăn dễ tiêu, thanh đạm và tốt cho hệ tiêu hóa của bé nhé!

Hoãn bú và đánh lạc hướng trẻ: Mẹ có thể áp dụng phương pháp hoãn các cữ bú nếu con bạn bú vài lần một ngày. Nếu trẻ đòi bú, hãy trấn an và đánh lạc hướng trẻ bằng một hoạt động khác. Trong trường hợp trẻ muốn bú vào đầu giờ tối, hãy cố gắng làm cho trẻ phải đợi cho đến giờ đi ngủ.

Bình giả, sữa thật: Để trẻ có thể dễ dàng chuyển sang bú bình, mẹ có thể thử đặt một vài giọt sữa mẹ lên môi hoặc lưỡi của trẻ trước khi đưa núm vú của bình sữa vào miệng trẻ. Ngoài ra, mẹ cũng có thể thử cho trẻ bú một lượng nhỏ sữa mẹ trong bình sau khi bú khoảng vài giờ. Như vậy, bé sẽ nhận thấy mùi vị sữa thật từ mẹ và làm quen dần với việc bú bình.

Cai sữa cho bé bằng một số phương pháp dân gian:

Có một số mẹo cai sữa cho bé được lưu truyền lại qua các thế hệ rất hay mà mẹ có thể thử như:

Dùng dầu gió bôi lên hai đầu ti, nếu bé đòi bú thì cho bé ngửi hoặc ngậm đầu ti (nhưng tốt nhất đừng để bé ngậm thật mẹ nhé). Mùi hắc hắc khó chịu sẽ khiến bé thấy lạ không đòi bú nữa. Tuy nhiên, khi áp dụng cách này, mẹ nên bôi dầu với số lượng vừa phải thôi, coi chừng nguy hiểm cho bé nhé. Hóa trang đầu ti: tương tự như cách trên, mẹ có thể dùng son môi tô đỏ lên đầu ti khiến bé nhìn thấy “sợ” sẽ không dám bú nữa.

Dùng nhọ nồi bôi đen bầu vú hoặc "hóa trang" để đầu vú trở nên xấu xí như dán băng dính, quấn tóc... để bé không muốn ngậm đầu vú nữa, nhưng mẹ nên nhớ sau khi hóa trang, mẹ có thể giải thích một cách ngộ nghĩnh cho bé hiểu và không ti nữa, tránh việc dọa làm bé sợ, ảnh hưởng đến tâm lý của con nhé.

Ăn những thực phẩm có mùi như tỏi, hành, sầu riêng... để sữa tiết ra có mùi khiến bé không muốn bú nữa.

Sử dụng một số thực phẩm gây mất sữa, tiêu sữa như hoa lài, lá bạc hà cay, lá ngải đắng, ngò tây. Hoặc đun nước lá dâu tằm hoặc lá lốt... 

*Lưu ý gì khi cai sữa cho bé:

Việc cai sữa sẽ làm thay đổi rất nhiều đến tâm lí cũng như sức khỏe của bé và mẹ. Do đó, mẹ nên cai sữa cho bé trong thời điểm cả mẹ và bé đều trong trạng thái tinh thần và sức khỏe tốt nhất. Đồng thời lưu ý:

Nên cai sữa cho bé vào những mùa tiết trời êm dịu, khô mát. Tránh những lúc thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa hay hệ hô hấp của bé.

Không nên cai sữa khi bé đang ốm đau, bệnh tật sẽ càng làm hệ miễn dịch cũng như sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng. Khi cai sữa cho bé cần đặc biệt chú trọng đến chế độ dinh dưỡng thay thế.

   Đảm bảo bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Khi chế biến thức ăn dặm, mẹ cần lên thực đơn phong phú, đa đạng, chế biến những món từ mềm đến cứng, từ loãng tới đặc. Mẹ nên cân bằng liều lượng gia vị tối đa để tốt cho răng cũng như hệ tiêu hóa của bé, tránh trường hợp bé bị nghẹn, mắc cổ hoặc chán ăn, bỏ bữa.

Nếu người mẹ còn sữa tốt thì nên vắt sữa dự trữ trong tủ lạnh là biện pháp hiệu quả để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ và đảm bảo hạn chế việc bé đòi bú trực tiếp.

Hãy thật kiên trì khi cai sữa cho con.

*Chăm sóc bé sau khi cai sữa

Thay thế bằng sữa công thức: Sau khi cai sữa mẹ, điều quan trọng nhất là phải bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết cho bé. Nếu bé trong giai đoặn ăn dặm (từ 6 tháng đến 2 tuổi), ngoài việc cho bé ăn uống đủ dưỡng chất, năng lượng và chất dinh dưỡng từ sữa công thức cũng rất quan trọng trong sự phát triển của bé.

Bổ sung dinh dưỡng qua khẩu phần ăn: Trong thực đơn hằng ngày của bé, mẹ nên cân đối, đa dạng nhiều loại thực phẩm dễ tiêu hóa, hấp thu và giàu chất xơ, tăng hệ miễn dịch như sữa chua, thịt, cá, trứng, rau củ, trái cây,…Đối với bé từ 6 tháng tuổi, mẹ nên cho bé ăn dặm và có thể cho bé ăn loãng dần dần đến đặc hơn và thêm nhiều loại thực phẩm phong phú, đa dạng.

Theo dõi cân nặng trẻ: Thường xuyên theo dõi cân nặng để nắm bắt chế độ ăn uống, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của bé sau khi cai sữa, từ đó điều chỉnh chế độ ăn phù hợp, tránh cho bé bị sụt cân, thiếu chất.

Không ép trẻ ăn: Không nên ép bé ăn nhiều, tránh tạo tâm lý sợ ăn, ngán ăn cho trẻ. Để bé thích thú ăn và ăn uống ngon miệng, mẹ có thể cho bé ăn nhiều bữa trong ngày, thay đổi thực đơn thường xuyên và chế biến phù hợp với khẩu vị của con./.

Nguyễn Thị Ngọc Đào - TYT Phú Tân.