Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Lợi ích của việc tầm soát sớm ung thư cổ tử cung và ung thư vú
28/09/2020

Ung thư cổ tử cung và ung thư vú là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ. Tầm soát ung thư định kì sẽ đem lại nhiều lợi ích trong việc xác định ung thư vú và ung thư cổ tử cung hơn nữa có thể cứu sống được nhiều người. Càng phát hiện sớm, càng có nhiều khả năng chữa được bệnh.

Tầm soát , phòng ngừa sớm ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư thường gặp đứng thứ 2 trong các loại ung thư ở phụ nữ. Ung thư CTC do HPV (Human Papilloma virus) gây ra. Đây là loại vi rút dễ lây qua đường quan hệ tình dục, chỉ cần tiếp xúc ngoài da ở bộ phận sinh dục một lần cũng có thể lây. HPV có thể lây từ nam sang nữ, từ nữ sang nam nhưng chỉ có thể gây bệnh ở phụ nữ. Có rất nhiều chủng vi rút HPV, tuy nhiên chỉ có 5 loại gây ung thư là type 16, 18, 45, 31, 33… trong đó type 16 và 18 có khả năng gây bệnh cao nhất.

Tại Việt Nam,  mỗi năm có trên 5.000 phụ nữ mắc Ung thư CTC, trong đó có tới 50% tử vong. Nhiễm virus HPV là nguyên nhân chính gây gây Ung thư CTC. Một số yếu tố được xem là tăng nguy cơ nhiễm HPV và phát triển Ung thư CTC như phụ nữ có quan hệ tình dục sớm hay có nhiều bạn tình. Người chồng hoặc bạn tình có quan hệ tình dục với nhiều phụ nữ hay đã từng có vợ bị Ung thư CTC; phụ nữ dùng thuốc tránh thai kéo dài (trên 5 năm); sinh đẻ nhiều; hút thuốc lá; tình trạng suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục…

4 giai đoạn phát triển của Ung thư cổ tử cung 

Mặc dù là bệnh nguy hiểm tuy nhiên vẫn có thể phòng ngừa và điều trị tốt nếu phát hiện sớm Ung thư CTC. Để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, điều quan trọng nhất đối với chị em phụ nữ là phải khám phụ khoa định kỳ ở các cơ sở y tế chuyên khoa để tầm soát ung thư cổ tử cung với các phương pháp sau:

Xét nghiệm Pap smear (còn gọi là xét nghiệm Pap hay phết tế bào cổ tử cung), là một xét nghiệm tế bào học để tầm soát phát hiện ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Mặt khác, ung thư cổ tử cung có chữa khỏi được không còn tùy vào việc bệnh nhân phát hiện bệnh sớm hay trễ.

Pap smear được thực hiện bằng cách thu thập và kiểm tra các tế bào ở khu vực cổ tử cung - một đoạn hẹp nằm dưới tử cung, ngay phía trên âm đạo của nữ giới.

Việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap smear có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đem lại cơ hội chữa trị cao hơn cho bệnh nhân. Không những thế, phết tế bào cổ tử cung còn giúp phát hiện những bất thường trong cấu trúc và hoạt động của tế bào cổ tử cung, từ đó cho thấy nguy cơ xảy ra ung thư trong tương lai. Thực hiện tầm soát những tế bào bất thường này là bước đầu tiên trong việc ngăn chặn sự phát triển có thể có của bệnh ung thư cổ tử cung.

- Soi cổ tử cung là một biện pháp được áp dụng để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, được tiến hành khi thấy cổ tử cung có tổn thương bất thường hoặc với những phụ nữ trên 40 tuổi. Khi soi người ta sử dụng bằng máy soi có độ phóng đại từ 10-30 lần, có thể nối với tivi để xem, nối với máy vi tính để lưu hình ảnh và in ra thành bức ảnh để làm bằng chứng cho bệnh nhân thấy hoặc được lưu lại để theo dõi sau này.

- Sinh thiết cổ tử cung: Sinh thiết là phương tiện sau cùng và cho kết quả chính xác hơn cả, người ta tiến hành bằng cách lấy mô tại nơi soi cổ tử cung có tổn thương nghi ngờ rồi soi qua kính hiển vi để tìm tế bào ác tính.

Các phương pháp tầm soát ung thư vú

-Chụp nhũ ảnh: Hiện nay tác dụng của nhũ ảnh trong tầm soát ung thư vú đã được công bố qua nhiều nghiên cứu. Nhũ ảnh được sử dụng đầu tiên năm 1913 trên tuyến vú đã phẫu thuật, 1930 được sử dụng trên bệnh nhân. Sau đó thì các nghiên cứu chứng minh hiệu quả của nhũ ảnh trong tầm soát làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú. Từ 1965 nhiều tiến bộ về kỹ thuật giúp cải thiện chất lượng hình ảnh của nhũ ảnh và giảm liều bức xạ cho bệnh nhân. Nhũ ảnh phát hiện những tổn thương vi vôi hóa mà khám lâm sàng không sờ thấy.

-Siêu âm vú: Hỗ trợ cho nhũ ảnh trong tầm soát, giúp phát hiện được nang hay bướu đặc (nang đơn thuần không chồi luôn luôn lành tính), giúp cung cấp thông tin về bản chất và giới hạn của bướu đặc và tổn thương khác ở vú. Ngoài ra còn là phương tiện hình ảnh chỉ dẫn sinh thiết tổn thương nghi ngờ ác tính. Hiệu quả của siêu âm tuyến vú phụ thuộc vào kinh nghiệm của người bác sĩ siêu âm, máy siêu âm và hạn chế của siêu âm là khó so sánh với kết quả siêu âm cũ.

-MRI: Là kỹ thuật hỗ trợ cho nhũ ảnh trong tầm soát ung thư vú, được sử dụng cho nhóm phụ nữ có nguy cơ cao. MRI được chứng minh là công cụ hỗ trợ cho nhũ ảnh trong trường hợp có đột biến BRCA giúp phát hiện ung thư giai đoạn sớm tuy nhiên giá thành cao.

-Khám lâm sàng tuyến vú: Được thực hiện bởi bác sĩ lâm sàng, khám với 2 tư thế: bệnh nhân ngồi và nằm, khám và so sánh 2 bên tuyến vú. Khám lâm sàng có thể phát hiện bướu ≥ 1cm. Khám lâm sàng tầm soát có hiệu quả trong phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm và thường được thực hiện ở các nước đang phát triển nơi mà ung thư vú đang tăng và nhũ ảnh chưa phát triển mạnh.

-Tự khám tuyến vú: Là phương pháp ít tốn kém và được thực hiện bởi chính bệnh nhân. Tác dụng của tự khám tuyến vú giúp tăng sự quan tâm đến sức khỏe của mỗi người, giúp cho người phụ nữ tự phát hiện những thay đổi bất thường của mô tuyến vú trước khi đến thầy thuốc chuyên khoa thăm khám./.

Nguyễn Thị Thanh - Khoa phụ sản.