Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Lựa chọn vắc xin tổng hợp cho trẻ
01/12/2020

Vai trò của vắc xin là rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe bằng cách tạo ra khả năng miễn dịch. Tầm quan trọng của hệ miễn dịch được thể hiện thông qua vai trò bảo vệ cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh. Về bản chất việc tiêm chủng chính là sử dụng vắc xin nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Sau khi được tiêm vắc xin, hệ miễn dịch nhận diện đây là vật lạ nên tiêu diệt và "ghi nhớ" chúng. Sau này, khi tác nhân gây bệnh thật sự xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch đã ở tư thế sẵn sàng để nhận diện và tấn công một cách nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn.

Đối với trẻ dưới 01 tuổi, một trong những vắc xin rất quan trọng đã được khuyến cáo tiêm phòng cho trẻ là vắc xin ngừa bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm não do vi trùng HiB, viên gan B và bại liệt. Hiện nay, có hai nhóm vắc xin tổng hợp đang được sử dụng ở trẻ nhỏ là vắc xin 5 trong 1 và vắc xin 6 trong 1. Qua thực tiễn làm công tác tiêm chủng, Trung tâm Y tế ghi nhận nhiều thắc mắc của các bậc cha mẹ trong việc tiêm phòng các bệnh nói trên cho trẻ. Bài viết này sẽ giải đáp câu hỏi về việc lựa chọn vắc xin tổng hợp nào cho trẻ và một số thông tin liên quan đến giúp cha mẹ và người chăm sóc trẻ tự tin trong việc đưa trẻ đi tiêm chủng.

Loại Vắc xin tổng hợp hiện nay

Trước tiên, về mục đích tiêm vắc xin tổng hợp để ngừa 6 bệnh nguy hiểm ở trẻ em là bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm não do vi trùng HiB, viên gan B và bại liệt. Trong đó, mỗi loại vaccine có thành phần khác nhau:

1. Vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR): Hiện tại, Bộ Y tế đã triển khai sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) do Ấn Độ sản xuất để tiêm phòng cho trẻ. Vắc xin này được tiêm miễn phí, cha mẹ đưa bé đến trạm y tế địa phương để tiêm. Vắc xin ngừa được 5 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm não do vi trùng HiB, viêm gan B, (trừ bại liệt). Vì vậy, nếu trẻ tiêm văc-xin này thì sẽ được bổ sung miễn phí bằng liều vacxin uống để ngừa bại liệt (OPV) và tiêm thêm mũi vắc xin bại liệt (IPV).

2. Vắc xin dịch vụ: Hiện tại có hai dòng vắc xin dịch vụ phổ biến tại các cơ sở tiêm dịch vụ là:

a)  Vắc xin 5 trong 1 của dịch vụ Pentaxim do Pháp sản xuất có thể ngừa được 5 loại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm não do vi trùng HiB, bại liệt. Trẻ cần bổ sung liều vacxin viêm gan B đơn sau khi tiêm Pentaxim.

 b) Vắc xin 6 trong 1 của dịch vụ Infanrix hexa do Bỉ sản xuất có thể ngừa được đầy đủ 6 loại bệnh trên.

Cả 2 loại này không nằm trong chương trình TCMR mà đều dùng trong tiêm chủng dịch vụ. Những loại vắc xin này chỉ được cung cấp tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, chi phí cho mỗi lần tiêm dao động từ 800.000 đồng đến 1.300.000 đồng tùy loại vắc xin. Tại Tiền Giang, hiện chỉ có hai đơn vị đó là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang và Trung tâm Tiêm chủng VNVC Mỹ Tho.

Sự khác biệt giữa những loại vắc xin tổng hợp

Điểm khác nhau cơ bản nhất giữa 2 loại vắc-xin tiêm dịch vụ với loại vắc xin tiêm miễn phí (là vắc xin SII) là nằm ở thành phần ngừa ho gà:

- Vắc xin trong chương trình TCMR (SII) có thành phần ho gà là vắc xin toàn tế bào, còn vắc xin dịch vụ (Pentaxim và Infanrix hexa) là vô bào, nên không có thành phần xác vi khuẩn ho gà mà thay thế bằng thành phần kháng nguyên đặc thù, do đó sẽ tinh khiết hơn.

- Trên lý thuyết, vacxin dịch vụ này có tính an toàn hơn vacxin trong chương trình TCMR. Nó làm giảm tác dụng không mong muốn sau khi tiêm, ít sốt và ít tác dụng phụ hơn các loại vacxin có thành phần ho gà là loại toàn tế bào trong chương trình TCMR. Ở vắc xin SII, có chứa các vi khuẩn ho gà đã chết được tinh lọc và phản ứng thường do protein trong vi khuẩn đó gây ra (gồm sốt, sưng đỏ chỗ tiêm, có thể tự khỏi sau 1-2 ngày).

Theo khuyên cáo của Tổ chức Y tế thế giới, không có vắc xin nào là an toàn tuyệt đối, phản ứng sau tiêm của vacxin SII nói riêng và vắc xin nói chung có thể từ nhẹ, vừa và nặng. Phản ứng có thể toàn thân hoặc tại nơi tiêm vắc xin và đặc hiệu cho từng loại vắc xin, cũng như các thuốc hay loại vắc xin khác khi tiêm đều có thể xảy ra các phản ứng. Tuy nhiên, các phản ứng nặng thường rất hiếm gặp.

Như vậy, qua so sánh trên đây, có thể thấy rằng điểm mạnh và điểm yếu của từng loại vắc xin như sau:

a) Vắc xin trong chương trình TCMR là được tiêm miễn phí và sẵn có tại địa phương, trong khi đó điểm mạnh của vắc xin dịch vụ là ít tác dụng phụ.

b) Về điểm yếu, vắc xin trong chương trình TCMR có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như sốt, sưng tại vị trí tiêm (nhưng tỉ lệ khá thấp và được Bộ Y tế kiểm duyệt lưu hành); trong khi đó, vắc xin dịch vụ lại có hạn chế là chi phí khá cao, 3 mũi tiêm dao động từ 2,4 triệu đến 4,5 triệu đồng thời không sẵn có tại địa phương.

Lịch tiêm

Ba mũi cơ bản được tiêm cách nhau tối tiểu 28 ngày và mũi đầu tiên tiêm khi trẻ đủ hai tháng tuổi. Bé cần tiêm nhắc lại mũi thứ 4 lúc 18 tháng (hoặc hơn 6 tháng kể từ mũi thứ 3) nếu trước đó đã tiêm vaccine 5 trong 1 của TCMR. Lịch tiêm có thể dao động tùy thực tế (trẻ bị ốm, hết thuốc…), có thể chậm hơn với kế hoạch một chút nhưng không nên quá muộn.

Trong quá trình thực hiện chương trình TCMR, Trung tâm Y tế có ghi nhận nhiều thắc mắc của các bậc phụ huynh. Chúng tôi tổng hợp một số câu hỏi như sau:

1) Trẻ tiêm sớm hoặc muộn hơn thời gian quy định có sao không?

Nhiều phụ huynh vì những lý do khác nhau mà đã đưa trẻ đi tiêm không đúng lịch. Chẳng hạn, đến điểm tiêm dịch vụ nhưng lại đông, thiếu vắc xin, … đợi có vắc xin dịch vụ. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tạo miễn dịch cho trẻ, có nguy cơ trẻ mắc bệnh trước khi được tiêm đủ liều. Vaccine tổng hợp 5 trong 1 và 6 trong 1 không được tiêm quá sớm (trước khi bé đủ 2 tháng hoặc đi sớm hơn lịch hẹn của bác sĩ) vì như vậy, vaccine sẽ mất tác dụng, phải tiêm lại.

2) Đã tiêm vắc xin 6 trong 1 bây giờ muốn tiêm tiếp vắc xin trong chương trình tiêm chủng có được không?

Các vaccine 5 trong 1 và 6 trong 1 có thể tiêm hoán đổi cho nhau nhưng cha mẹ nhớ bổ sung đủ 6 thành phần phòng bệnh trên cho bé. Tùy thành phần để bù nhưng phải đảm bảo đủ mũi tiêm, đủ khoảng cách giữa các mũi tiêm. Bố mẹ cần ghi lại đầy đủ lịch tiêm, mũi tiêm để không bù thừa hay thiếu thành phần ngừa bệnh. Khi bị thừa như vậy, bố mẹ sẽ tốn công, thêm tiền (nếu tiêm dịch vụ) và có thể gây tác dụng phụ.

3) Có thể trì hoãn tiêm vắc xin? Và trì hoãn được bao lâu?

Cho con tham gia tiêm vắc xin đúng theo thời hạn của lịch tiêm chủng quốc gia luôn là lời khuyên tối ưu dành cho các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, đúng là tiêm vắc xin có thể trì hoãn, vì lý do sức khỏe của bé trước và trong ngày tiêm chủng mà bác sĩ khám sàng lọc sẽ chỉ định hoãn tiêm. Tuy nhiên nên nhớ đừng trì hoãn quá lâu và cần hỏi ý kiến bác sỹ cũng như thông báo thời gian muộn cụ thể của bé trước khi tiêm.

4) Tiêm vắc xin cho con xong khi về nhà trẻ sẽ có những phản ứng gì và làm thế nào để phòng tránh?

Khi đưa trẻ đi tiêm về, mẹ nên lưu ý cho bé uống bổ sung nhiều nước (thông qua sữa mẹ) hơn bình thường, ngoài ra cần chú ý đo thân nhiệt trẻ. Những phản ứng bất lợi thường thấy là sốt, khóc quấy hay sưng vết tiêm.

Sau khi tiêm phòng 1 vài giờ hoặc 1 ngày, một số trẻ có thể bị sốt: sốt thường nhẹ, nhưng cũng đôi khi sốt cao (trên 39 độ C), kèm theo tình trạng quấy khóc. Các mẹ nên cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng, thoái mái, chườm mát cho trẻ bằng khăn ẩm nhưng không chườm đá hay nước lạnh. Có thể cho bé uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Nếu lần đầu tiêm vắc xin trẻ bị sốt thì mũi sau không hẵn sẽ có sốt không, các mẹ không nên vì thế mà bỏ tiêm cho con. Việc trẻ bị sốt tùy thuộc vào nhiều yếu tố, do đó rất có thể mũi 1 con bị sốt nhưng mũi 2 sẽ không sốt nữa. Nói chung vẫn cần đưa con đi tiêm.

5) Cách theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm

Sau tiêm vacxin phụ huynh cần ở lại điểm tiêm và theo dõi trong vòng 30 phút sau tiêm. Phụ huynh khi đưa trẻ về nhà cần lưu ý phải theo dõi sức khỏe trẻ liên tục ngay cả khi trẻ ngủ và ít nhất trong vòng 1 ngày (24 giờ). Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như: sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái… đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trên đây là một số kiến thức cơ bản về tiêm ngừa vắc xin tổng hợp phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm não do vi trùng HiB, viên gan B và bại liệt. Trên cơ sở này, tùy vào điều kiện thực tế của mỗi gia đình, phụ huynh nên cân nhắc lựa chọn vắc xin phù hợp, tuy nhiên phải đảm bảo phải tiêm chủng đúng lịch và đầy đủ cho trẻ./.

Hồ Văn Son - Khoa KSBT.