Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Mối nguy hiểm từ rắn và cách sơ cứu khi bị rắn cắn
17/11/2020

 

Vào mùa hè rắn thường sinh sản, phát triển, nhất là ở nơi có nhiều bụi rậm, góc khuất thuận lợi cho sự trú ngụ của loài rắn. Hiện nay, trên địa bàn xã Phú Tân nhiều loại rắn cũng xuất hiện ở xung quanh các hộ gia đình gây nguy hiểm tiềm ẩn. Khi gặp rắn tâm lý nhiều người hoảng loạn, la hét, cố gắng đuổi đánh hoặc bỏ chạy khi thấy rắn ở trong nhà. Điều này có thể khiến rắn tấn công ngược lại nhất là trẻ em.

Khi phát hiện có rắn việc đầu tiên cần làm là nhanh chóng quan sát xung quanh và thông báo cho những người xung quanh. Nếu có trẻ em, hãy đưa trẻ đi xa khu vực có rắn. Trường hợp nếu là các loài rắn có nọc độc dễ nhận biết hãy chuẩn bị găng tay, mang ủng để tránh bị rắn cắn, sau đó dùng cây gậy dài nhẹ nhàng dọa đuổi chúng đi. Nếu rắn vẫn nằm yên trong hốc nhà, kẹt tủ  hay quấn trong chăn, hãy để yên đừng động đến chúng. Cách tốt nhất là gọi người có kinh nghiệm bắt rắn để cùng giải quyết.

 Phân biệt rắn độc với rắn thường cắn:

- Rắn có độc là loại rắn nguy hiểm và thường gây ra các hiện tượng phản ứng ngay lập tức hoặc sau vài giờ bệnh nhân có triệu chứng miệng bị cứng lại, mắt mờ, ứ đọng đờm nhớt, nôn ra máu. Vết thương có thể sẽ thấy 2 vết răng nanh, mỗi răng cách nhau khoảng 5mm và một số vết răng nhỏ.

Tay bệnh nhân bị rắn độc cắn.

- Rắn không độc không gây ra phản ứng cho nạn nhân. Nhìn vào vết cắn thấy 2 hàm răng với những chấm nhỏ, có hình vòng cung và đặc biệt không có răng nanh.

Nếu không may bị rắn độc cắn, có thể gây rối loạn đông máu, phù nề, hoại tử cơ, liệt cơ hô hấp, trụy tim và có thể gây tử vong nếu không được sơ cứu, dùng huyết thanh kháng nọc kịp thời. Việc sơ cứu ban đầu đúng cách góp phần làm chậm sự xâm nhập của nọc độc vào cơ thể, tuy nhiên phải đảm bảo thao tác sơ cứu đúng cách tránh làm hại thêm cho nạn nhân.

- Các bước sơ cứu khi bị rắn cắn:

  • Đầu tiên nên trấn an nạn nhân, giữ họ nằm yên, bất động chi bị rắn cắn tháo bỏ trang sức ở chân, tay (nếu có), đặt vùng bị rắn cắn thấp hơn vị trí tim của nạn nhân.
  • Áp dụng các biện pháp băng ép bất động khi bị các loài rắn hổ (cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa và một số hổ mang thường) cắn. Băng ép bất động làm chậm sự xuất hiện các triệu chứng liệt. Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo, băng tương đối không quá chặt (còn sờ thấy động mạch đập), sau đó dùng nẹp cứng (miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,..) để cố định tay, chân bị cắn. Đặc biệt lưu ý không băng ép khi bị rắn lục cắn vì có thể làm vết thương thêm nặng.
  • Chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất, hỗ trợ hô hấp nếu nạn nhân khó thở.
  • Bất kỳ trường hợp nào bị rắn cắn cũng đều cần được xử lý và theo dõi như trường hợp rắn độc cắn ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu bệnh nhân nhập viện trễ sau 1-2 ngày kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.

- Những lưu ý khi sơ cứu rắn cắn:

  •  Garo vết thương: việc này có thể làm tắc nghẽn mạch máu, gây thiếu máu cục bộ, làm hoại tử vùng  bị cắn, nguy hiểm hơn khi tháo garo chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa tính mạng.
  • Rạch, chọc, hút nọc độc ở vết cắn: Việc rạch vết thương để lấy máu  đưa nọc độc ra ngoài không có lợi ích và sẽ gây hại thêm cho bệnh nhân do tổn thương mạch máu, dây thần kinh, nhiễm trùng vết cắn…..
  •  Áp dụng các biện pháp dân gian như dùng lá cây, đá chữa rắn, chườm đá…điều này có thể làm chậm trễ việc sơ cấp cứu cho nạn nhân.
  • Cố gắng bắt hoặc giết rắn: nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn, không nên đập nát đầu rắn vì đầu rắn là nơi dễ nhận dạng thuộc loại rắn nào nhất và phải đem rắn theo cùng bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng loài rắn. Nếu không bắt được rắn cố gắng quan sát đặc diểm nhận dạng rắn. Mỗi loại rắn có nọc độc khác nhau phác đồ điều trị khác nhau, khi khẳng định được loài rắn thì việc điều trị đúng huyết thanh kháng độc sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần cẩn thận vì ngay cả đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người.

 Các biện pháp ngăn chặn rắn bò vào nhà:

- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa đặc biệt là nơi rậm rạp, ẩm ướt, để rắn không đến cư trú.

- Không sống gần nơi rắn thích cư trú như các đống gạch vụn, đống đổ nát, nơi nuôi động vật của gia đình như  ếch, chuột..

- Trồng một số loại cây như sả, sắn dây,.. quanh nhà sẽ khiến rắn không bò vào nhà. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng các nguyên liệu trong bếp để tạo mùi đuổi rắn như giả nhỏ tỏi, hành để túi vải treo quanh nhà, hỗn hợp này có mùi nồng khiến rắn không dám đến gần.

Nguyễn Ngọc Thiên Vân – TYT Phú Tân