Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Nguy cơ sức khỏe do có thai và sanh con ở tuổi vị thành niên
11/12/2020

Vị thành niên là người từ 10-19 tuổi. Là thời kỳ chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn, được đánh dấu bằng những thay đổi xen lẫn nhau về thể chất, trí tuệ và mối quan hệ xã hội từ đơn giản sang phức tạp.

Trong những năm gần đây tỉ lệ lấy chồng sớm ở tuổi vị thành niên nông thôn đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Bên cạnh đó trẻ em vị thành niên có thai ngoài ý muốn cũng không ít. Nhiều em khi có thai không biết, đến khi thai được 5-6 tháng mới phát hiện hoặc biết có thai nhưng không biết cách giải quyết thế nào. Khi có thai, thường xấu hổ, lúng túng, sợ tai tiếng nên không dám đến cơ sở y tế gần nhà phá thai sợ mọi người biết, nếu đi xa thì không có tiền đành mặc kệ cho thai phát triển và cuối cùng bắt buột phải làm mẹ khi còn đi học, cũng có một số em vị thành niên đến phá thai muộn hoặc phá thai ở những nơi không đảm bảo an toàn. Hậu quả có thể dẫn đến viêm nhiễm đường sinh sản và vô sinh, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Ở tuổi vị thành niên, các em đang trong giai đoạn phát triển, để hoàn chỉnh về cơ thể, vì vậy cần rất nhiều năng lượng, các chất dinh dưỡng để đảm bảo cho sự phát triển về thể chất.

Khi có thai hoặc nuôi con nhỏ, lượng dinh dưỡng và các chất cần thiết này bị chia làm hai đã làm cho người mẹ không phát triển đầy đủ sẽ trở thành nhỏ bé, thấp, gầy gò hơn so với các vị thành niên khác cùng lứa tuổi. Các chất dinh dưỡng cung cấp cho thai không đầy đủ nên thai hoặc trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng, còi cọc.

Sau đây là những thông tin về nguy cơ sức khỏe do có thai và sinh con ở tuổi vị thành niên:

Do không đủ chất để phát triển cơ thể hoặc do cơ thể chưa phát triển đầy đủ khi có thai, vị thành niên thường bị suy dinh dưỡng, thiếu máu. Do cơ thể nhỏ, khung chậu hẹp khi đẻ dễ bị can thiệp như mổ lấy thai.

Khi có thai ở tuổi vị thành niên: nguy cơ sẩy thai, nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật, sản giật cao.

Do thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến thiếu máu trẻ sanh ra thường nhẹ cân ( dưới 2500gram)

Do tử cung chưa phát triển đầy đủ dễ bị hư thai, đẻ non. Nếu thai đủ tháng thì hay gặp những ngôi bất thường như ngôi ngược, ngôi ngang phải mổ lấy thai.

Tỉ lệ ối vỡ sớm dẫn đến suy thai hoặc nhiễm trùng nước ối cũng cao hơn so với tuổi ngoài 20.

Tổ chức Y tế Thế Giới đã đánh giá nguy cơ tử vong do thai sản ở phụ nữ tuổi 15- 19 nhiều gấp 2 lần so với người từ 20-24 tuổi. Còn những em gái từ 10-14 tuổi có thai thì nguy cơ tử vong cao gấp 5 lần so với các cô gái ngoài 20 tuổi.

Các bạn tuổi còn quá trẻ, khi có thai và sinh con ở tuổi vị thành niên, đặc biệt là bạn gái hạn chế khả năng học tập dẫn đến giảm cơ hội tìm việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp. Vì không có tiền để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho sự phát triển của bản thân, cũng như thai nghén hoặc là sự hồi phục sức khỏe sau nạo phá thai hoặc sanh đẻ, vì vậy bị suy yếu sức khỏe cho cả mẹ và con.

Để khắc phục những trường hợp thai nghén ở tuổi vị thành niên, nhà nước phải chi trả trực tiếp trợ cấp về y tế, xã hội để giải quyết khó khăn cho mẹ và con. Xã hội phải chi trả gián tiếp cho học vấn kém và vật liệu kém hiệu quả của những người lao động kém lành nghề. Có con sớm phải bỏ học, làm tăng tốc độ phát triển dân số. Nhiều khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, vị thành niên phải bỏ học để đi làm hoặc từ bỏ quyền làm mẹ, khi sanh xong đem con cho hoặc bỏ con lại bệnh viện, có khi giết đứa bé mới sinh, một số ít trường hợp quá bi quan nên tự sát, làm gái mại dâm…Hy vọng rằng những bậc làm cha mẹ có con ở lứa tuổi vị thành niên cần quan tâm nhiều hơn về sức khỏe sinh sản của con gái và con trai mình để làm giảm tỉ lệ có thai và sinh con ở tuổi vị thành niên./.

Nguyễn Thị Kim Thủy – Khoa Phụ sản.    ​