Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân
06/01/2025

Mùa đông xuân là thời gian thuận lợi cho các loại vi-rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng. Một số bệnh thường gặp trong mùa đông xuân như: cúm, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thuỷ đậu, tay chân miệng, tiêu chảy, liên cầu lợn...

Bệnh cúm mùa 

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng từ 2 đến 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Bệnh Sởi

Bệnh Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi-rút Sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài. Bệnh Sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Trẻ em không được tiêm vắc-xin Sởi và những người không có miễn dịch với vi-rút Sởi đều có thể bị mắc Sởi.

Biểu hiện của bệnh bao gồm: sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng ở niêm mạc miệng. Bệnh Sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.

Bệnh tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, với các triệu chứng chính là tiêu chảy, nôn, mất nước, rối loạn điện giải, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người, bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn.

Bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân. Nguyên nhân có thể là vi-rút hoặc vi khuẩn, nguy hiểm nhất là bệnh do phẩy khuẩn Tả (còn gọi là bệnh Tả).

Bệnh liên cầu lợn

Bệnh liên cầu lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.

Biểu hiện của bệnh: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể, cơ thể lạnh, tụt huyết áp... Bệnh thường diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong rất cao. Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như sau:

1. Tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc-xin như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…).

2. Mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu, đặc biệt khi ra ngoài trời, vào ban đêm, sáng sớm.

3. Tránh tiếp xúc với người đang có dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp.

4. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống chín. Ăn uống đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng.

5. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình.

6. Hạn chế tiếp xúc với người khác khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm. Thông báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Trần Tuấn Hiển, Khoa KSBT