Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng khi có thai và sau sinh
16/08/2020

 

Thiếu máu là bệnh dinh dưỡng thường hay gặp ở phụ nữ có thai, đặc biệt là ở những người đẻ dày và ăn uống thiếu thốn, lao động nặng nhọc và thai đôi. Bệnh thiếu máu có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ cả mẹ lẫn con:

  • Đối với mẹ:

- Người mẹ thiếu máu thường mệt mỏi, chóng mặt, khó thở khi gắng sức, tim hoạt động nhiều có thể dẫn đến suy tim.

- Khi đẻ có nhiều rủi ro nhất là khi chuyển dạ thường rặn yếu, gây chuyển dạ kéo dài, co hồi tử cung kém nên dễ bị băng huyết.

- Trong thời kỳ hậu sản: tiết sữa kém, mất sữa sớm. Do sức đề kháng giảm, dễ mắc các bệnh khác nhất là nhiễm trùng hậu sản.

- Tỷ lệ tử vong khi đẻ ở những người mẹ thiếu máu cao hơn hẳn ở bà mẹ bình thường. Do đó người ta đã coi thiếu máu là một yếu tố nguy cơ trong sản khoa.

  • Đối với con:

- Thiếu oxy làm thai chậm phát triển.

- Thiếu máu thường gây tình trạng đẻ non, trẻ sinh ra nhẹ cân và tỉ lệ tử vong sơ sinh cao.

- Trẻ dễ bị suy dinh dưỡng và mắc các bệnh đường tiêu hóa do không thực hiện được tốt việc nuôi con bằng sữa mẹ, ăn dặm quá sớm.

Để phòng chống thiêu máu dinh dưỡng khi có thai và sau sinh:

- Ăn uống hợp lý là biện pháp phòng chống bệnh thiếu máu tốt nhất, các thức ăn có nhiều chất sắt là các loại đậu, các loại rau xanh (rau ngót, rau dền, rau khoai, rau bí, rau muống...), các loại phủ tạng như tim, gan, thận...

 - Uống bổ sung viên sắt và axit Folic: Ngay từ khi bắt đầu có thai, tất cả các bà mẹ nên uống viên sắt. Với loại viên có hàm lượng là 60mg sắt nguyên tố và axit Folic 0,5 mg.  Mỗi ngày uống một viên trước khi ngủ, uống liên tục trong suốt thời gian mang thai đến 6 tuần sau khi sinh. Để tăng quá trình chuyển hoá và hấp thu sắt, cần tăng cường vitamin C, do đó cần ăn đủ rau xanh và quả chín./.

Đồng Thị Mỹ Tuyền - Khoa Phụ sản