Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Sơ cấp cứu khi trẻ bị bỏng
26/10/2022

Bỏng là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ trong độ tuổi từ 1- 6. Ở lứa tuổi này, trẻ thường hiếu động, tò mò, thích tìm hiểu mọi vật xung quanh nhưng chưa hiểu biết về sự nguy hiểm. Khi trẻ bị bỏng không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý mà sẹo hình thành còn tồn tại lâu dài, gây mất thẩm mỹ. Không ít trường hợp trẻ bị bỏng nặng dẫn đến tử vong do không được can thiệt y tế kịp thời.

Vì vậy, việc sơ cứu ban đầu khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho vết thương không bị ăn sâu vào bên trong, tránh được tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, hạn chế được những rủi ro đáng tiếc ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ về sau.

Hình ảnh bệnh nhi bỏng da do chạm phải pô xả của xe máy

Dưới đây là những bước sơ cấp cứu ban đầu trẻ bị bỏng

- Đầu tiên, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi khu vực gây bỏng càng sớm càng tốt, nhẹ nhàng cởi bỏ quần áo, giầy dép,…vùng da bỏng.

- Lập tức làm mát vết bỏng bằng nước sạch, mát (khoảng 15 - 20 độ C là tốt nhất) khoảng 15 – 20  phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, giảm độ ăn sâu của vết thương. Không dùng nước quá lạnh, nước đá để lảm mát vết bỏng.

- Giữ vết bỏng sạch, thoáng, có thể băng nhẹ để giảm đau tại chỗ và ngăn ngừa bụi bẩn. Lưu ý sử dụng băng gạc vô khuẩn hoặc vải sạch để tránh nhiễm trùng. Tuyệt đối không được dùng kem đánh răng, lá cây, các loại thuốc mỡ, hóa chất,…. để bôi lên vết bỏng. Việc sơ cứu không đúng cách sẽ làm tình trạng bỏng nặng hơn, ảnh hưởng đến việc lành vết thương về sau.

- Cho trẻ bú nhiều hơn hoặc uống nhiều nước để tránh mất nước, sốc do bỏng.

- Nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế khám và xử trí kịp thời.

- Bên cạnh việc sơ cứu khi trẻ bị bỏng, cha mẹ cũng cần động viên tinh thần, an ủi tránh trẻ bị hoảng loạn, quấy khóc, gây khó khăn trong việc điều trị.

Những biện pháp phòng tránh bỏng cho trẻ

- Để bình nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa, các vật dễ cháy nổ như xăng, dầu, gas, cồn….ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được.

- Chú ý bố trí bếp nấu ăn hợp lý, đặt bếp lò ở chỗ cao ngoài tầm tay với của trẻ hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần. Không cho trẻ chơi đùa gần nơi bếp lửa đang cháy, phích nước, nồi cơm điện đang sôi,…. 

- Khi dựng xe máy, phải quay ống bô xả của xe máy đang còn nóng vào sát tường.

- Khi bưng bê nước nóng, thức ăn mới nấu,... cần tránh xa trẻ để trẻ không va đụng.

- Luôn luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Cần kiểm tra cẩn thận nhiệt của độ nước trước khi cho trẻ tắm rửa.

- Trong việc chăm sóc, phải luôn trông chừng trẻ đúng cách, cần thường xuyên để ý đến trẻ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Và điều quan trọng là dạy cho trẻ hiểu được sự nguy hiểm khi bị bỏng hoặc các nguy cơ có thể gây bỏng và biết cách tránh xa những nguy cơ đó./.

Bs. Phan Thanh Hải – Khoa Cấp cứu – Nội tổng hợp.