Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa bệnh ZONA
31/05/2022

 

Lúc 9 giờ ngày 20/5/2022 khoa cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông tiếp nhận 01 ca bệnh có triệu chứng đau, sưng, nhức, rát, nổi mụn nước xung quanh vùng mắt, trán bên trái và được bác sĩ chẩn đoán là bệnh zona.

Bệnh nhân cấp cứu tại khoa Cấp cứu - NTH.

Zona là bệnh do Vacirella Zoster virus gây nên, được dân gian quen gọi là bệnh giời leo. Vacirella Zoster virus tấn công vào dây thần kinh, hạch giao cảm, chúng nhân lên tại hạch rễ sau và gây nên viêm cấp tính. Virus lan dọc theo rễ dây thần kinh cảm giác ngoại vi làm tổn thương bao Myelin gây tăng nhạy cảm ngoại vi, đau đớn, bỏng rát.

Bệnh Zona thần kinh thường xuất hiện ở nhiều vị trí trên các vùng da như mặt, cổ, lưng,… trong đó Zona thần kinh ở mắt được xem là nguy hiểm nhất cần phải thận trọng.

Loại virus này ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận bên trong và ngoài mắt bao gồm giác mạc và dây thần kinh thị giác, cần phải lưu ý vì có khả năng gây viêm loét giác mạc, để lại sẹo giác mạc, ảnh hưởng thị lực và có khả năng dẫn đến mù lòa.

Triệu chứng:

  • Các dát đỏ ban đầu hình thành sau đó biến thành mụn nước như bị bỏng mọc rải rác hoặc thành dải xung quanh mắt, mi mắt,…
  • Đôi khi gây đỏ mắt hoặc xung quanh vùng mắt, kèm theo tình trạng chảy nước mắt, ngứa mắt, nhạy cảm với ánh sáng,…
  • Người bệnh có cảm giác bị mỏi mắt, mờ mắt, cảm giác đau kiểu bỏng rát hoặc đau nhói ở mắt, thậm chí có cảm giác bị tê liệt khi bệnh phát triển nặng.
  • Khi xâm nhập vào giác mạc gây viêm loét giác mạc, làm cho người bệnh thấy cộm xốn, kích thích chảy nước mắt và thậm chí gây mờ mắt.

Điều trị

Sử dụng thuốc để tiêu diệt virus gây bệnh và ngăn chặn bệnh phát triển cùng với những loại thuốc giảm đau thường dùng là Acetaminophen hoặc Ibuprofen.

Chăm sóc và giữ gìn tổn thương trên da.

Tránh gãi, gây trầy xước các nốt ban Zona và rửa tay sau khi chạm vào chúng.

Bên cạnh các phương pháp điều trị nêu trên, người bệnh cần chú ý kết hợp với thực hiện chế độ sinh hoạt, chăm sóc phù hợp để hỗ trợ đẩy nhanh hiệu quả chữa trị bệnh. Nên giữ vệ sinh sạch sẽ, tăng cường ăn rau quả tươi có chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý đặc biệt là tránh dùng phương pháp dân dân như thổi nhang, đi cúng thầy hoặc thoa những loại thuốc không rõ nguồn gốc./.

                                                                                          Trần Tuấn Hiển - Khoa cấp cứu - NTH.