Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Các bệnh phụ khoa thường gặp và cách phòng tránh
18/09/2020

Bệnh phụ khoa là những bệnh liên quan đến cơ quan sinh dục nữ bao gồm những bệnh ở cơ quan sinh dục dưới (âm đạo, âm hộ, cổ tử cung) và các bệnh ở cơ quan sinh dục trên (buồng trứng, vòi trứng và tử cung).

Tình trạng mắc bệnh phụ khoa hiện nay

Bệnh phụ khoa cũng là một căn bệnh thường gặp ở phụ nữ, tỷ lệ phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa đang có xu hướng tăng lên. Hầu như trong cuộc đời của một người phụ nữ thì ai cũng có thể mắc phải một bệnh lý phụ khoa nào đó ít nhất một lần trong đời.

Tỷ lệ mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ lên tới 90%, trong đó nhóm phụ nữ có kiến thức, có thu nhập chiếm hơn 70%. Không chỉ phổ biến mà tình trạng viêm nhiễm vùng kín còn có thể gây ra các bệnh phụ khoa nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản, thậm chí dẫn đến vô sinh ở nữ giới.

Chính vì thế, chị em cần phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản liên quan đến các bệnh phụ khoa, đặc biệt là những bệnh thường gặp để từ đó có biện pháp chữa trị kịp thời nếu không may mắc phải

Bệnh phụ khoa thường gặp

1.Viêm âm đạo

Viêm âm đạo là 1 trong những bệnh viêm nhiễm phụ khoa thường gặp nhất ở phụ nữ. Theo thống kê, ở nước ta, có tới 90% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc phải vấn đề này.

Khi bị viêm âm đạo, chị em sẽ thấy vùng kín thường ra khí hư nhiều và ra suốt kỳ kinh, đặc, mùi hôi và màu sắc có thể trắng đục, vàng xanh… Có thể bị ngứa âm hộ, âm đạo ở các mức độ khác nhau, kèm theo cảm giác nóng rát, nhất là khi có quan hệ tình dục.

Viêm âm đạo sẽ khiến chị em rất khó chịu, mất tự tin trong sinh hoạt, giao tiếp và kể cả trong quan hệ vợ chồng. Ngoài ra, nếu để bệnh kéo dài, hậu quả sẽ nguy hiểm cho cả sức khỏe và thiên chức làm vợ, làm mẹ.

2. Buồng trứng đa nang

 

Buồng trứng đa nang là bệnh gây ra do tình trạng rối loạn nội tiết và là một trong những nguyên nhân thường gặp gây vô sinh do không rụng trứng hay rối loạn phóng noãn. Bệnh chiếm tỷ lệ khoảng 6 - 10% phụ nữ trong tuổi sinh đẻ. Bệnh thường xuất hiện và tuổi dậy thì nhưng cũng có thể xuất hiện vào tuổi từ 20 đến 25.

Triệu chứng lâm sàng:

   + Rối loạn kinh nguyệt: Kinh thưa, kinh không đều hay vô kinh là những rối loạn về kinh nguyệt. Đây là một trong những tiêu chuẩn chính để chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang. 

   + Rậm lông, mụn, rụng tóc

   + Béo phì: 30 - 50% phụ nữ buồng trứng đa nang bị béo phì. Rối loạn trong quá trình chuyển hóa dẫn đến tình trạng phân bố mỡ không đồng đều. Để xác định tình trạng béo phì người ta dựa vào chỉ số BMI (> 25) hay tỉ số vòng eo/vòng mông. 

3. Viêm lộ tuyến cổ tử cung

 

Lộ tuyến cổ tử cung là các tổn thương ở cổ tử cung do các tế bào tuyến nằm trong ống cổ tử cung phát triển ra ngoài, xâm lấn mặt ngoài của cổ tử cung. Do các tế bào tuyến lộ ra ngoài vẫn tiết dịch như khi ở trong cổ tử cung nên bệnh nhân thường có hiện tượng tăng tiết dịch trong âm đạo, dễ dẫn đến viêm nhiễm.

Bản thân lộ tuyến là một tổn thương lành tính. Nếu lộ tuyến kèm theo viêm nhiễm thì phải dùng thuốc điều trị chống viêm. Tuy vậy, thuốc chống viêm không chữa khỏi lộ tuyến. Muốn chữa hết lộ tuyến thì phải dùng các biện pháp như sau: phải đốt  bằng điện, lazer, áp lạnh hay bằng hóa chất.

Vì vậy, hiện tại đối với lộ tuyến cổ tử cung cần lưu ý giữ vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, đặc biệt vào những ngày có kinh, khám và theo dõi phụ khoa định kì mỗi 3 tháng hoặc 6 tháng.

4. U nang  buồng trứng

 

U nang buồng trứng là hiện tượng xuất hiện một tập hợp tế bào trên buồng trứng của phụ nữ trước hoặc trong kì mang thai. Thông thường, loại u này khá lành tính, tuy nhiên trong nhiều trường hợp có thể phát sinh biến chứng, cần cắt bỏ hoặc có phương án xử lý trước khi u xâm hại tới cơ thể.

Trong số các bệnh phụ khoa thì u nang buồng trứng là loại bệnh thường gặp, chiếm khoảng gần 4% tỉ lệ. Chị em trong độ tuổi sinh sản cần quan sát và chú ý kĩ, trong trường hợp phát hiện u cần gặp bác sĩ để có phương án điều trị tốt, tránh để u phát triển thêm, biến chứng thành ung thư buồng trứng hoặc gây xoắn nang rất nguy hiểm cho khả năng sinh sản thậm chí là tính mạng của chị em.

U nang buồng trứng lành tính thì không có nhiều tác hại, chủ yếu u chỉ làm chậm quá trình sinh sản (Do các nang trứng dễ vướng phải u và bị trễ quá trình rụng) 

5. Viêm phần phụ

 

Phần phụ bao gồm: buồng trứng, vòi tử cung (vòi trứng),dây chằng rộng. Viêm phần phụ phần lớn thường bắt đầu từ viêm vòi tử cung, sau đó lan ra xung quanh. Bệnh nếu không được điều trị sớm và đúng cách sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Vô sinh do tắc vòi tử cung hai bên, dính tua loa vòi, thai ngoài tử cung, đau vùng chậu kinh niên…

Viêm phần phụ hay gặp ở người trẻ, có quan hệ tình dục không an toàn, thiếu kiến thức về sức khỏe tình dục và không thực hiện tốt vệ sinh cá nhân. Việc thực hiện các thủ thuật như đặt dụng cụ tử cung, nạo phá thai, chụp tử cung vòi trứng không đảm bảo vô trùng cũng dễ gây viêm phần phụ.

Cách phòng tránh các bệnh phụ khoa

    + Thực hiện vệ sinh vùng kín hằng ngày, đúng cách để giảm thiểu khả năng bị viêm nhiễm phụ khoa, đồng thời ngăn ngừa bệnh tái mắc:

    + Tắm rửa thường xuyên (đặc biệt trong thời kỳ kinh nguyệt). Vệ sinh âm hộ hằng ngày và sau mỗi lần đi tiểu, đi đại tiện bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ.

    + Luôn giữ cho bộ phận sinh dục ngoài khô, sạch, không sử dụng khăn, vật lạ đưa vào trong âm đạo để lau âm đạo. Tránh mặc quần chật, thay quần lót thường xuyên.

    + Băng vệ sinh phải đảm bảo sạch, đủ thấm và còn thời gian sử dụng (4 giờ phải thay một lần).

    + Vệ sinh cho cả hai người trước, sau khi quan hệ tình dục.

    + Không nên dùng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín.

    + Không nên dùng nước bẩn có chứa nhiều vi sinh vật như nước ao hồ, kênh rạch... để tắm rửa.

    + Không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ điều trị.

                                                                  Nguyễn Thị Kim Thủy – Khoa phụ sản