Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ trong 3 tháng đầu thai kỳ
04/06/2020

   Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu thai kỳ là bước đệm quan trọng để thai nhi phát triển tốt trong các giai đoạn tiếp theo, chính vì vậy các mẹ bầu cần có một chế độ ăn uống lành mạnh trong thời kỳ này, để giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho trẻ trong quá trình phát triển. Vậy 3 tháng đầu thai kỳ bà bầu nên bổ sung dinh dưỡng như thế nào? chế độ ăn như thế nào? Thai phụ  đến khám thai tại Khoa Phụ Sản sẽ được Y, Bác sĩ tư vấn, chia sẽ về các chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai và đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ.

   Thai kỳ thứ nhất kéo dài từ thời điểm thụ thai khi những tế bào đầu tiên được hình thành, cho tới hết tuần thứ 12. Đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng với sự phát triển của em bé ở trong bụng – các cơ quan hình thành, trẻ bắt đầu cử động và các cơ hình thành. Thai nhi 12 tuần tuổi lớn lên trong thai kỳ đầu tiên thành một phôi thai hoàn thiện, có kích thước tương đương 1 quả lê và chuẩn bị cho thai kỳ thứ hai vì vậy chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ rất quan trọng

Chế độ ăn lành mạnh trong 3 tháng đầu

   Chế độ ăn khỏe mạnh đặc biệt quan trọng trong suốt thai kỳ. Hình ảnh trong sơ đồ mô tả một chế độ ăn cân đối thông thường với tỷ lệ chuẩn các loại thức ăn. Bạn nên tuân thủ theo các hướng dẫn sao để chế độ ăn trở nên cân đối, đầy đủ:

   Ăn 5 phần hoa quả và rau mỗi ngày để bổ sung Vitamin, chất khoáng, chất xơ cho cơ thể.

   Bổ sung các thức ăn có tinh bột trong mọi bữa ăn (cơm, ngũ cốc, bánh mỳ…)

   Sử dụng các sản phẩm từ sữa ít béo

   Sử dụng các loại thịt, cá tươi sạch và các loại thức ăn giàu protein khác như trứng, các loại đậu. Các loại thực phẩm này cung cấp nhiều protein, sắt và folate. Sử dụng các loại cá có mỡ ít nhất một lần mỗi tuần để bổ sung acid béo không no Omega-3 cho cơ thể.

   Tránh sử dụng thực phẩm và đồ uống có nhiều đường, béo và muối như nước đường, thực phẩm chế biến sẵn.

Nhu cầu dinh dưỡng khi mang thai 3 tháng đầu

   Bà bầu không cần bổ sung thêm năng lượng (Calo) ở thai kỳ thứ 1 và thai kỳ thứ 2. Bà bầu có thể chỉ tăng ít cân hoặc không tăng cân nào trong suốt thai kỳ thứ nhất. Hầu hết cân nặng tăng lên khi mang bầu sẽ rơi vào thai kỳ thứ hai, do đó bạn không cần quá lo lắng nếu thấy mang bầu tới 3 tháng mà chưa tăng được cân nặng lên chút nào. Nhu cầu bổ sung Protein trong giai đoạn đầu của thai kỳ có tăng lên nhưng không tăng nhiều đáng kể và bổ sung dễ dàng từ trong các loại thịt, trứng, sữa. Tuy nhiên các khảo sát về chế độ ăn chỉ ra rằng hầu hết chúng ta bổ sung nhiều Protein hơn những gì cơ thể cần – lượng protein ăn vào trung bình của mỗi phụ nữ tuổi từ 19-49 là 61g/ngày (nhu cầu của bà bầu là 57g mỗi ngày).

   Nhu cầu acid Folic và Vitamin D tăng lên trong giai đoạn này. Vitamin A cũng có nhu cầu tăng lên ít nhưng cần rất thận trọng khi bổ sung Vitamin A vì quá liều Vitamin A khi mang thai có thể gây sinh con quái thai. Bà bầu cũng tránh bổ sung Vitamin A trực tiếp hoặc Vitamin A từ trong nguồn dầu gan cá vì dầu gan cá có chứa nhiều Vitamin A. Nếu bổ sung DHA/EPA thì nên bổ sung từ dầu cá loại đã tiêu chuẩn hóa và công bố rõ các thành phần trong đó. Dạng bổ sung Vitamin A an toàn là Betacaroten có trong thực vật như rau, củ, quả.

Tháng đầu cần bổ sung thêm chất gì?

   Trong 3 tháng đầu, mẹ nên đặc biệt chú ý những thực phẩm chứa nhiều axit folic

Axit folic:

   Axit folic hay còn gọi là vitamin B9 rất cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào và sự hình thành của tế bào máu, giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh liên quan đến não và tủy sống của thai nhi. Chính vì thế ngay từ khi có ý định mang thai, các bác sĩ đã khuyên các mẹ nên chú ý bổ sung thêm axit folic cho cơ thể, Mỗi ngày mẹ nên chú ý thêm khoảng 400 mcg axit trong thực đơn của mình.

 Sắt:

   Để không bị thiếu máu khi mang thai, bạn nên bổ sung thêm nhiều thực phảm chứa sắt để tăng cường hồng cầu cho cơ thể. Ngoài ra, sắt cũng góp phần giảm thiểu triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi thường gặp khi mang thai.

Canxi:

   Là khoáng chất không thể thiếu để hỗ trợ cho sự phát triển về xương của mẹ bầu khi mang thai và cả em bé trong bụng. Nếu không được cung cấp đủ canxi cần tiết, rất có thể tai nhi sẽ lấy canxi từ mẹ và làm mẹ có nguy cơ thiếu canxi và loãng xương sau sinh.

 Protein ( chất đạm) :

   Mỗi ngày, mẹ nên chú ý bổ sung cho cơ thể khoảng 57g protein để đảm bảo bé cưng có thể phát triển hoàn thiện tế bào não, đồng thời giúp tuyến vú và mô tử cung của mẹ phát triển tốt trong suốt thai kỳ.

 Vitamin D:

   Từ khi hình thành phôi thai, bé đã cần phát triển hệ xương, do đó, mẹ bầu cần tăng cường vitamin D để cơ thể hấp thu canxi tốt nhất, bạn có thể bổ sung vitamin D từ thực phẩm hoặc sưởi nắng khoảng 15 phút mỗi ngày sẽ giúp cơ thể hấp thụ canxi tối ưu. Lưu ý chọn nắng sớm buổi sáng, để ánh nắng chiếu trực tiếp lên cơ thể là tốt nhất.

 Vitamin C:

   Đây là chất chống oxy hóa rất hiệu quả, giúp mẹ bầu tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của cơ và mạch máu cho bào thai.

Mẹ bầu nên ăn gì khi mang thai 3 tháng đầu?

   Để lựa chọn chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu, mẹ chỉ cần lưu ý chọn những thực phẩm chứa đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết kể trên. Một số loại thực phẩm gợi ý dưới đây mẹ bầu nên ăn khi mang thai 3 tháng đầu:

   Súp lơ: Súp lơ là một trong những nguồn chứa axit folic dồi dào cho cơ thể. Ngoài ra, các loại rau có màu xanh như xà lách, cải bẹ xanh cũng chứa không ít axit folic. Súp lơ, rau xanh xào thịt bò là những món bổ sung dinh dưỡng tốt cho bà bầu 3 tháng đầu.

   Họ hàng nhà đậu: Đậu chứa khá nhiều protein, cần thiết cho sự phát triển mô và cơ bắp của bé.

   Các loại quả có nhiều múi như cam, quýt, bưởi… Không chỉ chứa axit folic, cam quýt còn chứa một lượng lớn vitamin C, rất tốt cho hệ miễn dịch của cơ thể. Mẹ cũng đâu muốn mình bị bệnh khi mang thai đúng không?

   Trứng: Không chỉ chứa nhiều protein, trứng gà là một trong số ít thực phẩm có chứa vitamin D. Nhiều mẹ bầu nghe nói ăn trứng ngỗng sẽ giúp bé thông minh hơn khi mang thai. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu nào chứng minh được giả thuyết này. Ngoài ra, trứng ngỗng không chứa nhiều protein như trứng gà nhưng lại chứa nhiều chất béo hơn. Vì vậy, mẹ nên chú ý khi ăn trứng ngỗng để tránh tình trạng dư thừa chất béo nhé!

    Cá: các loại cá biển chứa nhiều dinh dưỡng như cá hồi, cá trích, cá cơm, cá tuyết,… chứa nhiều Omega-3 sẽ hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên mẹ nên tránh xa những loại cá chứa nhiều thủy ngân và không nên ăn cá sống nhé

   Thịt: là nguồn cung cấp chất sắt dồi dào nhất, thịt bò và thịt gà nên hiện diện trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của bà bầu 3 tháng đầu.

   Sữa chua: Sữa chua chứa nhiều vitamin D, canxi và các lợi khuẩn rất tốt cho hệ tiêu hóa của bạn. Nó có thể giúp bạn ngăn ngừa triệu chứng táo bón cực kỳ khó chịu trong thai kỳ.

Tất cả thai phụ đến khám tại khoa Phụ Sản đều được nhân viên tại Khoa tận tình tư vấn chia sẽ kiến thức dinh dưỡng trong thai kỳ và đặc biệt dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ./.

Trần Huỳnh Phương Trúc – Nhân viên Khoa Phụ Sản