Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Cần tăng cường phòng chống bệnh Lao ở trẻ em
06/03/2023

Bệnh lao không còn là cái tên xa lạ đối với nhiều người, đây là một căn bệnh truyền nhiễm đã được phát hiện từ rất lâu trên thế giới. Căn bệnh này vẫn luôn là vấn đề khẩn cấp từ xưa tới nay vì nó có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh, thậm chí dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh lao không chỉ ảnh hưởng tới người lớn mà ngay cả trẻ em cũng là đối tượng dễ mắc phải.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) số bệnh nhân lao mới trên người lớn vào năm 2021 tăng 3,6% so năm 2020. WHO ước tính số trẻ mắc lao chiếm khoảng 10-12% trong tổng số bệnh nhân lao mới và lao tái phát hằng năm. Theo đó, mỗi năm nước ta có khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị. 

Trẻ em đa phần mắc lao ở độ tuổi dưới 5 tuổi, chiếm khoảng 50% tổng số trẻ mắc bệnh. 80% các ca bệnh lao ở trẻ là lao phổi. Phần lớn các trường hợp này không phát hiện được vi khuẩn do trẻ không ho khạc đờm được, không làm được xét nghiệm vi khuẩn.

Bệnh lao ở trẻ không khó điều trị. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh ở trẻ khó hơn so với người lớn do các triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Chỉ khi nào trẻ đã có những dấu hiệu nặng như ho ra máu, sốt, sút cân kéo dài… gia đình mới nghĩ đến khả năng con mắc lao. 

Ngoài ra, trong cộng đồng một số trẻ đã nhiễm vi khuẩn lao nhưng vì có sức đề kháng tốt nên không tiến triển thành bệnh ngay lúc đó - hay còn gọi là lao tiềm ẩn. Trong trường hợp này, gia đình cần nên cho trẻ đi sàng lọc, điều trị lao tiềm ẩn ngay.

Để phòng bệnh lao cho trẻ, điều đầu tiên là trẻ cần tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng lao cho trẻ trong tháng đầu sau sinh.  Gia đình cần phải nâng cao nhận thức về bệnh lao ở trẻ em để nhận biết các dấu hiệu từ sớm, đi khám và điều trị kịp thời, thậm chí có thể thực hiện sàng lọc lao định kỳ để loại trừ nguy cơ bệnh. Đặc biệt đối với trẻ sống chung trong gia đình có người mắc lao phổi, có nguy cơ lây nhiễm cao hơn trẻ khác, nhất là các bé dưới 5 tuổi, nhiễm HIV.

Khi có triệu chứng nghi bị bệnh lao ở trẻ (ho sốt kéo dài, sút cân hoặc không lên cân, ra mồ hôi trộm…) cần đưa ngay đến cơ sở y tế để tư vấn khám và điều trị kịp thời.

Người lớn khi có các triệu chứng như: ho kéo dài, sốt, sụt cân… phải đi khám bệnh ngay. Người bị nhiễm lao phải tuân thủ theo phát đồ điều trị, biết giữ gìn vệ sinh trong cộng đồng, không khạc, nhổ, xã rác bừa bãi tại nơi công cộng, vì vi trùng lao rất dễ lây cho người già, trẻ em. .

Bản thân người dân nếu muốn phòng chống bệnh lao phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên; ăn uống, làm việc điều độ, để có sức khỏe tốt phòng chống lao.

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm lây lan qua không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người là kẻ giết người thầm lặng, kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi người bệnh phát bệnh đến khi tử vong thì vi rút lao đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng./.

Nguyễn Thị Hồng Lê - TYT Tân Phú.