Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Cấp cứu ban đầu điện giật
07/05/2024

 

 Tai nạn điện giật thường xảy ra đột ngột do chúng ta không may chạm vào nguồn điện hoặc không thực hiện đúng nguyên tắc đề phòng tai nạn khi tiếp xúc với điện. Khi đó nếu không biết cách phòng chống và sơ cứu hiệu quả thì người bị điện giật có thể bị bỏng, thậm chí tử vong. Vì vậy, việc sơ cứu nạn ban đầu cho nhân bị điện giật có vai trò rất quan trọng trong việc cứu sống nạn nhân.

*  Các tổn thương khi bị điện giật

Khi bị điện giật: Toàn bộ các cơ của bệnh nhân bị co giật mạnh gây 02 tình huống

+ Nạn nhân bị bắn ra xa vài mét, có thể bị chấn thương.

+ Nạn nhân nhân bị dính chặt vào nơi bị truyền điện cần đề phòng bệnh nhân ngã ra gây thêm các chấn thương khi cắt điện.

Ø Tai biến tức khắc:

 -  Ngưng tim phổi: bệnh nhân có thể ngừng thở trước rồi ngưng tim sau, ngừng tim thường do rung thất.

-   Bỏng: có thể do dòng hiệu điện thế cao, đôi khi rất nặng nếu điện thế càng cao và thời gian tiếp xúc càng dài. Vết bỏng không đau, không chảy máu, không chảy nước, không làm mủ, nơi đi vào thường có ranh giới rõ hình tròn hoặc oval.  Bỏng đôi khi do sự di chuyển của dòng diện, gây bỏng sâu, khó đánh giá khi nhìn từ bên ngoài.

- Gãy xương: chú ý cột sống và ngực.

Ø Tai biến muộn:

- Choáng giảm thể tích: do tăng tính thấm thành mạch, tổn thương tế bào.

Phù não gây tăng áp lực nội sọ.

Chèn ép khoang: do hoại tử và phù nề mô, nhất là tứ chi.

Suy thận cấp: Do hoại tử cơ. Vài giờ sau khi bị điện giật, bệnh nhân đã tỉnh bỗng nhiên đái ra nước tiểu đỏ sẩm và sau đó vô niệu. Xét nghiệm máu, nước tiểu có thể có Myoglobin, là chất có thể làm tắc ống thận gây suy thận cấp.

Tim: ngoại tâm thu nhĩ và thất, loạn nhịp hoàn toàn, đau thắt ngực.

Tâm thần kinh: liệt nửa người, hội chứng ngoại tháp, bệnh thần kinh ngoại biên: (liệt, đau, tê da), rối loạn điện não.

*  Xử trí khi bị điện giật

Khi thấy người bị điện giật, chúng ta thường có tâm lý hoang mang dễ xảy ra những sai sót ảnh hưởng đến tính mạng của nạn nhân thậm chí là khiến bản thân mình bị điện giật theo. Trước khi tiến hành các cách sơ cứu điện giật,  cần lưu ý những điều dưới đây:

- Toàn bộ công việc cấp cứu ngừng tim chỉ gói gọn trong 3 phút, do vậy người cấp cứu phải thật bình tĩnh, khẩn trương, thực hiện đúng cách và tiến hành ngay tại nơi xảy ra điện giật.

- Khi thấy có người bị điện giật, cần khẩn trương ngắt cầu dao điện hoặc lấy thanh tre, thanh gỗ kéo dây điện ra khỏi người nạn nhân. Khi ngắt điện, cần đề phòng nạn nhân bị ngã gây chấn thương khiến tai nạn nặng thêm.

- Kiểm tra mức độ chấn thương và kiểm tra xem nạn nhân còn tỉnh táo không. Hãy gọi tên và chờ xem nạn nhân có trả lời hay không.

+ Nếu nạn nhân hôn mê, ngưng tim, ngưng thở:

Ÿ Đặt nạn nhân nằm ngửa ở chỗ khô ráo thoáng khí, sau đó nới rộng quần áo, dây thắt lưng, tiến hành xoa bóp tim và nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu chuyên sâu như sốc điện, thuốc, máy kích tạo nhịp tim....

Ÿ Cách thực hiện hô hấp nhân tạo: hô hấp nhân tạo thực hiện bằng cách thổi hơi vào mũi hoặc miệng, với tần suất 10 – 12 lần/phút. Riêng trẻ nhỏ, nếu trẻ không tự thở, hãy nhẹ nhàng áp miệng trùm lên cả miệng và mũi của trẻ. Hoặc dùng miệng trùm lên phần mũi của bé, tay giữ phần miệng của bé đóng chặt lại. Sau đó nâng cằm lên, cho đầu hơi ngả về phía sau. Thổi ngạt 2 hơi, mỗi hơi kéo lên dài trong vòng một giây và phải đảm bảo cho lồng ngực trẻ phồng lên.

Ÿ Ép tim ngoài lồng ngực 100 – 120 lần/phút, với người lớn và trẻ em, riêng người trẻ có thể làm nhanh và nhiều lần hơn. Ÿ Với người lớn, xác định chính xác vị trí ép tim tại 1⁄2 dưới xương ức, đặt ngón trỏ cạnh ngón giữa để đảm bảo vị trí ép cách mũi ức 2 khoát ngón tay. Đặt gót bàn tay kia lên phía trên mu bàn tay đang đặt trên xương ức, các ngón tay đan vào nhau. Duỗi thẳng 2 khuỷu tay vuông góc với thành ngực người bệnh và giữ nguyên tư thế này trong suốt quá trình ép tim và bắt đầu ép tim đủ nhanh và mạnh với 1 chu kỳ gồm 30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt.

Ÿ Khi ép tim, cần dùng trọng lượng cơ thể ấn lồng ngực nạn nhân lún xuống ít nhất 5cm và phải đảm bảo ép thẳng xuống xương ức. Lúc sơ cứu, cần đếm to trong quá trình ép từ 1 đến 30 và không rời bàn tay khỏi xương ức trong quá trình ép tim. 

Lưu ý:  Sau mỗi lần ép tim, đảm bảo cho phép ngực nạn nhân nở hoàn toàn, hạn chế tối đa thời gian tạm dừng ép tim không quá 10 giây.

- Nếu nạn nhân tỉnh táo và bỏng nhẹ, hãy rửa vết bỏng dưới vòi nước mát.

- Nếu vết thương bị chảy máu, hãy sử dụng băng gạc đắp lên để cầm máu. 

*  Lưu ý:

- Khi ngắt điện, cần đề phòng nạn nhân bị ngã gây chấn thương khiến tai nạn nặng thêm.

- Người vào cứu tuyệt đối không dùng tay để kéo nạn nhân ra khi nguồn điện chưa được cắt để trán  bị điện giật.

- Không được cạo gió, thoa dầu hay đổ nước vào người nạn nhân. 

- Giữ ấm người nạn nhân, nên sử dụng vải sạch hoặc băng gạc phủ lên vết thương bị bỏng.

- Việc sơ cứu nhanh chóng và kịp thời rất quan trọng, tuy nhiên  nên ưu tiên gọi cấp cứu ngay khi vừa tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Hoặc ngay khi thấy nạn nhân bị giật điện hãy nhờ những người xung quanh gọi cấp cứu.

- Chỉ chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế để cấp cứu hồi sức khi bệnh nhân đã tự thở lại và lấy được mạch.

- Trên đường chuyển nạn nhân đến bệnh viện, vẫn phải tiếp tục công việc cấp cứu, theo dõi sát sao để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng./.​

BSCKI. Trương Minh Vinh – Khoa CC - NTH.