Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Những điều bà mẹ cần biết khi đưa con đi tiêm chủng để đảm bảo an toàn tiêm chủng
12/01/2021

Trẻ nhỏ có thể mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy nhiễm như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt...Trẻ chưa có đủ sức đề kháng với bệnh tật nên nếu mắc các bệnh truyền nhiễm này thì sẽ rất nặng, có thể để lại di chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc tử vong. Các bệnh truyền nhiễm này có thể phòng được bằng cách tiêm chủng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.

Lịch tiêm chủng cho trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi trong tiêm chủng mở rộng

Tuổi của trẻ

Vắc xin sử dụng

Sơ sinh

Tiêm viêm gan B trong 24 giờ đầu;

Sau sinh (càng sớm càng tốt): Vắc xin BCG phòng bệnh Lao

02 tháng tuổi

Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B- Hib mũi 1 (vắc xin 5 trong 1);

Uống vắc xin OPV phòng bệnh bại liệt lần 1.

03 tháng tuổi

Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B- Hib mũi 2 (vắc xin 5 trong 1);

Uống vắc xin OPV phòng bệnh bại liệt lần 2.

04 tháng tuổi

Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B- Hib mũi 3 (vắc xin 5 trong 1);

Uống vắc xin OPV phòng bệnh bại liệt lần 3.

5 tháng tuổi

Tiêm vắc xin IPV phòng bệnh bại liệt (1 mũi duy nhất)

9 tháng tuổi

Tiêm vắc-xin sởi đơn, mũi 1

12 tháng tuổi

Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản. Gồm mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng; mũi 2 (2 tuần sau mũi 1), mũi 3 (một năm sau mũi 2).

18 tháng tuổi

Tiêm vắc xin DPT mũi 4 (phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván)

Tiêm vắc xin Sởi – Rubella phòng bệnh Sởi và bệnh Rubella

 
Bà mẹ cần thực hiện trước và trong khi tiêm chủng

Các bậc cha mẹ cần giữ sổ và phiếu tiêm chủng đầy đủ để theo dõi lịch tiêm chủng của con mình.

Các vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng là an toàn. Để chăm sóc sức khỏe trẻ tốt hơn khi đi tiêm chủng các bà mẹ cần lưu ý:

- Các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm.

- Đề nghị cán bộ y tế thông báo cho biết loại vắc xin trẻ được tiêm chủng lần này, những phản ứng có thể gặp và hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.

- Xem lọ vắc xin sẽ tiêm cho trẻ có đúng loại và còn hạn sử dụng không.

- Trong khi tiêm chủng, bà mẹ bế và giữ trẻ đúng tư thế theo hưởng dẫn của cán bộ y tế.

Bà mẹ cần thực hiện sau tiêm chủng

Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số biểu hiện thông thường như sốt nhẹ (<38,50C), đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc v.v. Các bà mẹ nên chú ý đến trẻ hơn và đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu thấy các phản ứng kéo dài trên 1 ngày.

Khi trẻ sốt cao các bà mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế; Tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.

 Những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường hiếm gặp, như sốc phản vệ với tỷ lệ 1/1 triệu liều vắc xin và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình sau khi tiêm cần trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.

Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái ...các bà mẹ cần đưa NGAY trẻ tới cơ sở y tế.

Vì sự an toàn của trẻ các bà mẹ cần theo dõi trẻ sau tiêm chủng. Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng./.

Hồ Văn Son – Khoa KSBT