Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Say nắng, say nóng và những điều cần biết
09/05/2024

Thời gian gần đây, Nam bộ phải đối mặt với những đợt nắng nóng gay gắt dẫn đến nhiều người dân gặp phải tình trạng say nắng, say nóng khi làm việc ngoài trời. Say nắng có thể dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể, nặng hơn có thể dẫn đến tử vong nếu không xử trí kịp thời. Do đó, chúng ta cần biết các dấu hiệu và nguyên nhân dẫn đến say nắng, say nóng để có biện pháp xử trí và phòng tránh hiệu quả.

Say nóng là tình trạng tăng thân nhiệt do tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao và tăng các hoạt động thể lực quá mức vượt quá khả năng điều hòa của trung khu điều hòa thân nhiệt, dẫn đến cơ thể rối loạn khả năng kiểm soát thận nhiệt.

Say nắng (sốc nhiệt) là tình trạng thân nhiệt tăng rất cao ( trên 40 độ C) kèm theo rối loạn thần kinh, hô hấp, tuần hoàn do tác động của thời tiết nắng nóng và các hoạt động thể lực quá mức.

Khi bị say nắng, say nóng người bệnh có những biểu hiện sau:

- Thân nhiệt tăng cao (trên 40 độ C).

 - Thay đổi về trạng thái tinh thần hoặc hành vi như: lú lẫn, kích động, nói lắp, trường hợp nặng có thể xảy ra co giật.

- Chóng mặt, choáng váng, đau đầu, buồn nôn và nôn. Mạch nhanh, thở nhanh, yếu cơ hoặc chuột rút. Da khô, ửng đỏ, nóng hoặc đổ mồ hôi nhiều.

Nguyên nhân gây say nắng, say nóng:

- Tập luyện hoặc làm việc quá lâu trong môi trường nắng nóng.

- Mặc quần áo quá dày, bó sát, dễ hấp thụ nhiệt, không uống đủ lượng nước cần thiết khi ở trong môi trường nắng nóng.

- Sử dụng thuốc có tác dụng phụ làm giảm tiết mồ hôi như lợi tiểu, chẹn beta, kháng histamin…Người đang mắc các bệnh lý như rối loạn nội tiết, béo phì,..

Cách xử trí khi gặp người bị say nắng, say nóng:

Ÿ  Xử trí ngoài cơ sở y tế:

- Nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc lực lượng y tế địa phương, gọi người xung quanh đến hỗ trợ.

- Di chuyển người bị say nắng đến nơi râm mát, cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết (cởi bỏ khẩu trang, nón, áo khoác, dây thắt lưng,..) Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân.

-Làm mát tức thì bằng bất kì phương tiện gì có sẵn như: xịt mát cơ thể bằng nước, hoặc áp nước ấm lên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi; chườm túi nước lạnh hoặc khăn có nhún nước mát lên các vùng như cổ, nách, bẹn của người bệnh.

Không nên dùng nước đá hoặc đặt cơ thể bệnh nhân vào nước lạnh mặc dù có hiệu quả nhanh nhưng có nhiều biến chứng như gây co mạch ngoại biên, lạnh run. Ngoài ra còn có thể làm hạ nhiêt độ quá mức khiến cho bệnh nhân thấy khó chịu. Không dùng cồn lau người vì có thể gây nguy hiểm nhất là với trẻ nhỏ.

- Nếu bệnh nhân tỉnh táo cần cho uống bổ sung nước. Trường hợp bệnh nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu hô hấp, tuần hoàn như: có nhịp thở, bắt được mạch, cử động,... thì thực hiện hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực.

- Vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế bằng xe có điều hòa hoặc mở cửa sổ đảm bảo thông khí cho bệnh nhân.

Ÿ Xử trí tại khoa cấp cứu:

- Nhanh chóng giúp bệnh nhân ổn định đường thở, hổ trợ hô hấp, tuần hoàn, cho bệnh nhân thở oxy và truyền dịch theo y lệnh bác sĩ.

- Làm mát tích cực, làm mát bằng biện pháp bay hơi thì an toàn, hiệu quả, dễ thực hiện và cơ thể người bệnh dễ thích nghi. Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân. Lý tưởng là giảm 0.2 độ C/phút. Nên dừng làm mát khi nhiệt độ đạt 38 độ C.

- Sau khi kiểm soát nhiệt độ phải đánh giá lại và thực hiện các cận lâm sàng loại trừ tổn thương thần kinh trung ương như: xuất huyết não, phù não... Trong say nắng, say nóng tỉ lệ tổn thương có thể gặp lên tới 20% bệnh nhân.

- Người lớn tuổi khả năng thích nghi với sự biến đổi nhiệt giảm nên cần phải theo dõi, đánh giá và bù dịch cẩn trọng.

Các biện pháp phòng say nắng, say nóng trong mùa hè:

Khi nhiệt độ môi trường tăng cao nên hạn chế ra ngoài, nhất là vào giữa trưa. Trường hợp phải ra ngoài khi trời nắng, có thể ngăn ngừa hiện tượng say nắng bằng cách thực hiện các lưu ý sau:

- Mặc quần áo thoáng mát, sáng màu, quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm... Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên.

- Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày, ít nhất 1.5 lít nước, nước ép trái cây, rau củ, có thể uống thêm các loại nước uống có bổ sung chất điện giải. Không nên uống các loại nước uống có chứa cafeine, rượu vì các chất này có thể khiến cho tình trạng mất nước nghiêm trọng hơn.

- Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi sau mỗi 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.

- Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt độ cơ thể còn cao, không nên đi tắm ngay sẽ làm cho thân nhiệt thay đổi đột ngột có thể dẫn đến đột quỵ.

-Tạo không gian thoáng mát trong nhà, buông rèm cửa, che chắn bớt ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng vào thời điểm nắng gắt. Nên đổi thời gian hoạt động ngoài trời vào những thời điểm mát mẻ, tránh nắng gắt.

- Không để bất kì ai nhất là trẻ em trong xe hơi đỗ và tắt máy vì nhiệt độ trong xe có thể tăng lên 11 độ C chỉ trong 10 phút nhất là khi xe đỗ ngoài trời trong thời tiết nắng nóng./.

Đinh Thị Kim Xuyến - Khoa Cấp cứu – Nội Tổng Hợp