Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Sơ cứu vết thương bởi các vật sắc nhọn ở trẻ em và các biện pháp phòng tránh
09/05/2024

Tổn thương gây ra bởi các vật sắc nhọn rất thường gặp ở trẻ em với nhiều hình thái khác nhau như vết đứt ở da - mô mềm do dao, kéo, mảnh vỡ sành sứ, trẻ chạy giỡn dẫm phải đinh, gai, kim khâu, mảnh thủy tinh hay nặng hơn là những trường hợp vết thương đâm thấu ngực bụng, mạch máu lớn,...Mức độ tổn thương do các vật sắc nhọn cũng rất đa dạng từ đơn giản có thể tự hồi phục trong vòng 3 đến 7 ngày cho đến những vết thương phức tạp, đe dọa đến tính mạng trẻ. Dù là vết thương đơn giản hay phức tạp, việc sơ cứu đúng cách ngay khi xảy ra tai nạn là một việc làm vô cùng quan trọng mà không phải bậc phụ huynh nào cũng có thể làm được. Việc sơ cứu vết thương đúng cách không chỉ giúp vết thương nhanh hồi phục, mà còn hạn chế được các biến chứng, di chứng về sau. Vì vậy, các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần nắm được cách sơ cứu khi trẻ bị thương bởi các vật sắc nhọn cũng như các biện pháp phòng tránh nhằm giúp trẻ tránh được những tổn thương không mong muốn.

Cách sơ cứu vết thương bởi các vật sắc nhọn ở trẻ em

Các vết thương do vật sắc nhọn gây ra thường kèm theo chảy máu và đau nhiều. Phản xạ đầu tiên là bé sẽ hoảng sợ, khóc thét. Vì vậy, bậc phụ huynh cần phải thật bình tĩnh, nhanh chóng đưa trẻ  đến một khu vực an toàn, sau đó trấn an, dỗ dành cho trẻ nằm hoặc ngồi yên.

Nếu vết trầy xước hoặc rách da nông, đơn giản, chảy ít máu thì có thể xử trí tại nhà. Nhanh chóng rửa vết thương bằng nước sạch hoặc các loại dung dịch như nước muối sinh lý, Povidin (nếu có), lau khô vết thương rồi dùng băng cá nhân hoặc gạc y tế để băng vết thương. Trường hợp vết thương phức tạp, rộng, sâu, chảy nhiều máu cần nhẹ nhàng dùng vật liệu mềm, sạch như vải, khăn tay, gạc quấn quanh vết thương để cầm máu tạm thời, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất đề được xử trí tiếp. Lưu ý không được sử dụng lá cây giã nhuyễn, nhựa cây, sợi thuốc lá,… để đắp lên vết thương  cầm máu vì sẽ làm vết thương dễ nhiễm trùng.

Trường hợp trẻ bị vật nhọn đâm vào cơ thể, phụ huynh không nên rút vật nhọn ra ngay. Vì có thể gây tổn thương thêm hoặc chảy máu nhiều hơn. Chỉ nên rút vật đâm khi nó nhỏ và đâm không sâu (không quá 1cm) rồi sau đó xử trí như vết thương đơn giản. Trong trường hợp không chắc về độ sâu hoặc bị đâm sâu hơn 1cm, đâm tại các vị trí nguy hiểm như ngực bụng, cổ, các  mạch máu,… hoặc nghi ngờ mảnh dị vật còn kẹt lại trong vết thương không nên cố gắn rút, rạch hoặc nặn dị vật ra mà dùng khăn tay, vải sạch, gạc băng quanh vết thương để cố định vật nhọn và cầm máu vết thương. Sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cứu thương đến trợ giúp trong trường hợp nặng.

Tất cả vết thương do vật sắc nhọn gây ra, sau khi xử lý vết thương, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tiêm phòng uốn ván dù chỉ là một vết thương nhỏ vì không biết vết thương đó có nhiễm vi trùng gây bệnh uốn ván hay không.

 

Ảnh minh họa: Mảnh vỡ thủy tinh được lấy ra từ vết thương lòng bàn chân bên phải của một bệnh nhi.

Biện pháp phòng tránh trẻ bị thương bởi các vật sắc nhọn

Tổn thương gây ra bởi các vật sắc nhọn có thể xảy ra trong những hoàn cảnh bất ngờ và ở mọi lúc mọi nơi: trẻ đang chạy giỡn, vui đùa, phụ giúp việc nhà hoặc ngay cả khi trẻ đang chơi các loại đồ chơi của trẻ. Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra các bậc phụ huynh cần cẩn trọng khi trông nom, để mắt đến trẻ, đặc biệt là những trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.

Không nên để trẻ đùa nghịch, chạy chơi khi đang cầm các vật dụng sắc nhọn trên tay.

Cần giữ trẻ tránh xa những vật dụng có thể gây nguy hiểm như dao, kéo, thìa, đĩa, kim khâu,...

Để các vật sắc nhọn nguy hiểm, dễ đổ vỡ ở trên cao, ngoài tầm với của trẻ.

Bọc lại các cạnh, đầu mút sắc nhọn của những đồ vật trong nhà.

Chọn đồ chơi cho trẻ nên tránh những kiểu mẫu nhiều góc cạnh, sắc nhọn,…

Cần nhặt sạch mảnh vỡ chén, đĩa, thủy tinh, không để đinh, gai, vật sắc nhọn,...rơi rớt trên sàn nhà và khu vực vui chơi của trẻ nhằm phòng tránh trẻ dẫm phải.

Cha mẹ cần giải thích cách dùng và những mối nguy hiểm nếu có của đồ vật cho trẻ hiểu. Cần dạy trẻ cách sử dụng an toàn và cách phòng tránh tai nạn đối với các vật dụng trong nhà để trẻ có kỹ năng tự bảo vệ mình./.

Đỗ Minh Thiên – Khoa Cấp cứu – Nội tổng hợp