Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Suy dinh dưỡng trẻ em và dự phòng suy dinh dưỡng ở trẻ em
13/01/2023

Suy dinh dưỡng trẻ em là tình trạng thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể trẻ được phân loại làm 3 thể:

Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: khi cân nặng của trẻ thấp hơn mức tiêu chuẩn của những trẻ cùng trong một độ tuổi và cùng giới tính. Giá trị cân nặng theo tuổi của trẻ nằm dưới đường biểu diễn -2SD. Thể nhẹ cân phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài cũng như tình trạng thiếu dinh dưỡng tại thời điểm đánh giá.

Suy dinh dưỡng thể thấp còi: khi chiều cao của trẻ thấp mức tiêu chuẩn của những trẻ cùng trong một độ tuổi và cùng giới tính. Giá trị chiều cao theo tuổi của trẻ nằm dưới đường biểu diễn -2SD. Đây là thể suy dinh dưỡng mãn tính, biểu hiện thấp còi trên lâm sàng là hậu quả của một quá trình suy dinh dưỡng kéo dài trong những năm đầu đời, có khi bắt đầu sớm từ tình trạng suy dinh dưỡng ngay khi còn trong bụng mẹ.

Suy dinh dưỡng thể gầy còm: khi cân nặng theo chiều cao của trẻ thấp hơn mức chuẩn của những trẻ cùng giới tính, tức là nằm dưới mức -2SD. Lúc này, cơ và mỡ bị teo đi nhiều. Đây là thể suy dinh dưỡng cấp tính, xảy ra trong thời gian ngắn. Thể gầy còm phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng cấp tính do tình trạng không lên cân hoặc đang tụt cân.

Tình trạng suy dinh dưỡng thường gặp ở các bé dưới 5 tuổi, nhất là lứa tuổi từ 6 đến 24 tháng tuổi, là giai đoạn chuyển từ bú mẹ sang ăn thức ăn bổ sung.

Hướng dẫn bà mẹ nấu ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ tại trạm y tế.

Nguyên nhân chính dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ:

Cung cấp không đủ dinh dưỡng: Trẻ biếng ăn, chế độ ăn nghèo nàn, cách chế biến không phù hợp dẫn đến thiếu năng lượng và dưỡng chất.

Tăng tiêu hao năng lượng: Trẻ bệnh nhất là bệnh kéo dài, rối loạn tiêu hóa hấp thu, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, thất thoát chất dinh dưỡng do bệnh lý.

Cách nhận biết suy dinh dưỡng ở trẻ em:

Nên cân và đo chiều cao cho trẻ hàng tháng, đối chiếu với biểu đồ tăng trưởng chuẩn. Khi trẻ đứng cân liên tục trong vòng 3 tháng, tức là đường biểu diễn cân nặng đi theo hướng nằm ngang hoặc đi xuống là dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Với các trường hợp không có điều kiện cân đo cho trẻ hàng tháng thì cần quan sát biểu hiện của trẻ để nhận biết kịp thời trẻ suy dinh dưỡng. Khi thấy trẻ nhỏ hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi, ăn ít, không ngon miệng, da nhợt nhạt, chân tay nhão, thậm chí teo cơ, ngủ nhiều, ủ rũ, kém linh hoạt thì cần đưa trẻ đến chuyên khoa dinh dưỡng khám để xác định trẻ có suy dinh dưỡng không và có những can thiệp kịp thời.

Tuy nhiên, khi thấy trẻ nhỏ hơn trẻ khác không nên vội vàng kết luận trẻ bị suy dinh dưỡng và ép trẻ ăn thật nhiều, khiến trẻ sợ hãi. Đây chỉ là một trong những dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ em, cần đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để xác định rõ hơn.

Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng đến trẻ nhỏ:

Suy yếu hệ miễn dịch: Suy dinh dưỡng do thiếu vi chất (kẽm, sắt và vitamin) sẽ làm cho hệ thống miễn dịch dần yếu đi. Lúc này, trẻ sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng nhiều hơn bao giờ hết.

Gây chậm phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ: Nếu bị nhiễm trùng đường tiêu hóa đồng thời với suy dinh dưỡng, cơ thể trẻ sẽ không thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Từ đó gây chậm phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ.

Chế độ ăn cho trẻ bị suy dinh dưỡng:

Với trẻ bị suy dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ, đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn trẻ bình thường. Ngoài ra, cần bổ sung một số vi chất dinh dưỡng (vitamin và muối khoáng) để trẻ nhanh chóng phục hồi tình trạng dinh dưỡng.

Nhân viên y tế cho trẻ uống Vitamin A.

Phòng ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ:

  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và kéo dài ít nhất hai năm. Chỉ cân nhắc cho trẻ sử dụng sữa công thức khi tình trạng không đủ sữa mẹ không giải quyết nhanh chóng được.
  • Hướng dẫn các bà mẹ cho trẻ bú đúng cách.
  • Ăn thức ăn phong phú các loại, thường xuyên thay đổi món ăn, kích thích ngon miệng
  • Tăng cường các hoạt động thể chất thường xuyên để kích thích sự thèm ăn
  • Điều trị triệt để các bệnh lý tại đường tiêu hóa cũng như các bệnh lý toàn thân.
  • Thêm các bữa nhẹ xen kẽ giữa các bữa chính
  • Không lạm dùng kháng sinh trong việc điều trị bệnh
  • Thường xuyên theo dõi quá trình tăng trưởng của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng

Nguyễn Ngọc Thiên Vân - TYT Phú Tân.