Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Bệnh sởi và các vấn đề đáng quan tâm hiện nay
26/09/2024

Trong thời gian vừa qua số ca mắc bệnh sởi tăng nhanh, đặc biệt đã có trường hợp trẻ em tử vong do sởi. Điều này đã tạo nên rất nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh. Có nhiều thắc mắc được đưa ra về bệnh sởi. Bài viết nhằm cung cấp các thông tin về bệnh sởi cũng như các vấn đề đáng quan tâm hiện nay.

Bệnh Sởi là gì? 

       Sởi là một bệnh truyền nhiễm, do vi rút gây ra. Bệnh sởi có tốc độ lây lan cực nhanh thông qua đường hô hấp từ người sang người  gây ra các biến chứng cấp tính về hệ thần kinh: viêm não màng não, hệ tiêu hóa: viêm ruột, rối loạn hệ vận động và tổn thương đa cơ quan. Sởi cũng là một bệnh xảy ra dịch có tính chu kỳ khoảng từ 2 - 3 năm hoặc lâu hơn tuỳ theo từng nước. Bệnh sởi xảy ra  tính theo mùa. Tuy nhiên, bệnh có thể xuất hiện quanh năm ở các năm gần đây.

Tình hình bệnh sởi ở nước ta ?

       Tính từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương (Theo thống kê của cục y tế dự phòng). Ngày 27/8/2024, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã công bố dịch bệnh truyền nhiễm, dịch sởi trên  toàn Thành phố.

Năm 2024 các chuyên gia dự đoán là năm có nguy cơ bùng phát dịch sởi nguyên nhân do trẻ không được tiêm chủng đầy đủ đã gây ra khoảng trống miễn dịch. Sởi là mối nguy hại cho miễn dịch của trẻ nhỏ.

Dấu hiệu của trẻ bị bệnh sởi ?

       Thời kỳ ủ bệnh kéo dài 8-11 ngày với các biểu hiện: Sốt nhẹ và vừa, sau đó sốt cao trên 39-40 độ C, cơn sốt chỉ giảm khi trẻ bắt đầu phát ban. Viêm xuất tiết mũi, họng, mắt: chảy nước mắt nước mũi, ho, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mi mắt.Trong miệng có đốm Koplik (nội ban), sưng hạch bạch huyết. tiêu chảy, viêm phế quản.

       Giai đoạn khởi phát:  khoảng 2-4 ngày với các triệu chứng ở trẻ em: sốt cao, viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc, hoặc viêm thanh quản cấp.

       Giai đoạn toàn phát: trẻ phát ban khắp cơ thể theo thứ tự: vùng đầu, mặt, cổ, sau đó lan xuống ngực, lưng, cánh tay; sau cùng là vùng bụng, lưng, mông, đùi.... Khi phát ban ở toàn thân, trẻ sẽ sốt cao và mệt nhiều hơn.

       Giai đoạn lui bệnh: thường vào ngày thứ 6 tính từ ngày mọc ban. Các triệu chứng của bệnh  sẽ giảm dần và hết khi ban dần lặn, thứ tự ban lặn  cũng tương tự khi xuất hiện..

Khi nào trẻ cần được khám cơ sỡ y tế?

Trẻ sốt cao không hạ (39 - 40°C), sốt kéo dài, không có dấu hiệu hạ sốt dù đã phát ban toàn thân.

Khó thở. Thở nhanh:  tần suất thở > 50 nhịp/phút với trẻ dưới 1 tuổi và > 40 nhịp/phút với trẻ trên 1 tuổi.

Trẻ có  mất nước khi theo dõi trẻ có môi khô, khóc không nước mắt, khát nước, uống háo hức hay không  uống được, quấy.

Trẻ có tiếng thở rít, giọng khàn.

Trẻ bị loét miệng, chán ăn, tiêu chảy, đau mắt, đau tai

Chăm sóc như thế nàokhi trẻ mắc bệnh sởi ?

Cách ly trẻ bệnh với các trẻ khác phòng ngừa nhiễm bệnh chéo.

Trẻ bệnh sởi thường sốt cao nên cần hạ sốt. Khi sốt cao trên 38.5°C cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt tuy nhiên phải theo tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Giữ gìn vệ sinh khi chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang, cần rửa tay sát khuẩn  trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ. 

Không cần kiêng tắm kiêng gió với trẻ bệnh mà nên vệ sinh sạch sẽ cơ thể trẻ hàng ngày. 

Nên giữ cho phòng  trẻ  luôn thông thoáng, sạch sẽ.

Khi trẻ phát ban thường gây ngứa vì thể  nên cắt móng tay cho trẻ để tránh gây trầy xước da khi trẻ gãi.

Theo dõi sát chế  độ dinh dưỡng của trẻ, nếu trẻ bú mẹ thì vẫn tiếp tục cho bú đủ cử. Nếu trẻ  đã ăn dặm  hoặc trẻ  lớn thì cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu và dinh dưỡng, thức  ăn cần phù hợp với khẩu vị của bé

Cách phòng ngừa trẻ với bệnh sởi ?

Hiện nay tiêm vắc xin Sởi là biện pháp phòng tránh bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Ba mẹ nên chủ động cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Khi đến nơi đông người cần đeo khẩu trang. Rửa tay sát khuẩn thường xuyên nhất là khi chăm sóc trẻ.

Uống đầy đủ nước mỗi ngày.

Dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, chú ý cung cấp các loại thực phẩm giàu vitamin A, các loại rau xanh thẫm và các loại quả có màu vàng, màu da cam.

Cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm ngừa vaccin sởi ?

Sau khi tiêm chủng cho trẻ uống đủ nước, bú đủ sữa,ăn đủ chất , nghỉ ngơi bình thường.

Theo dõi sức khoẻ trẻ, nếu trẻ sốt hơn 38.5 độ C có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt 

Đối với bệnh sởi, một khi mắc sởi thường thì sẽ có miễn dịch suốt đời và không mắc lại. 

Võ Thị Thu Sương- Khoa khám bệnh