Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Bệnh ung thư và những điều cần biết?
03/04/2024

Thế nào là u, u lành, u ác?

- U là hiện tượng một số tế bào vượt ra ngoài sự kiểm soát của cơ thể, tăng trưởng khi không cần thiết, tạo nên một khối tế bào thừa không có chức năng gì cả, đa số các khối u là u lành tính, có nghĩa là sinh ra ở đâu thì nằm ở đó, vô hại, gồm đa số các nốt rùi, hạt cơm (mụn cóc) và rất nhiều các cục u khác.

- Ung thư (K) hay u ác tính là tình trạng tăng trưởng quá mức, không kiểm soát các tế bào bất thường, dẫn đến xâm lấn và phá hủy cấu trúc mô bình thường của cơ thể, từ đó hình thành nên các khối u. Ban đầu ung thư phát sinh ở một vị trí, sau đó các tế bào ác tính có thể di chuyển đến những nơi khác trên cơ thẻ, sinh sống, phát triển ở đó gọi là di căn. Ung thư có thể ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ người cao tuổi bị ung thư nhiều hơn người trẻ. Hiện nay, ung thư gây tử vong nhiều nhất tại nước ta sau bệnh tim mạch, đột quỵ.

- Tuổi càng cao, tỉ lệ mắc ung thư càng lớn, đa số ung thư ở người ngoài 50 tuổi khi các yếu tố nguy cơ đủ thời gian tích luỹ để hình thành phát sinh bệnh, tuy nhiên nhiều năm gần đây, ung thư có xu hướng trẻ hoá, nhiều trường hợp ung thư dưới 40 tuổi.

- Ở xã hội càng phát triển, tuổi thọ càng cao thì tỉ lệ mắc ung thư càng lớn, do liên quan đến mức độ và lối sống công nghiệp hoá.

 Ung thư tại nước ta hiện nay nhiều hay ít so với các nước trên thế giới?

Năm 2000, Việt Nam có 68.000 cas mắc mới, nhưng đến 2010 đã tăng lên 126.000 cas; Năm 2018, Việt Nam Số cas mắc mới 165.000 năm, tỷ lệ mắc 151/100.000 dân, hạng thứ 99/185 quốc gia. Tỷ lệ tử vong 70%, 115.000 cas/năm = 104,4/100.000 dân xếp vị trí 99/185 quốc gia, xếp 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. (năm 2015, Việt Nam xếp vị trí 107, năm 2013 xếp ở vị trí 108)

Tại sao ngày nay có nhiều người bị ung thư?

- Có thể là do di truyền, gen bị đột biến từ thế hệ trước. Tuy nhiên trong các nguyên nhân gây ung thư, ăn uống và môi trường chiếm tới 80% nguyên nhân như dùng thuốc lá, rượu, bức xạ ion hoá, tia cực tím…nhiễm vi khuẩn HP, HPV, virus viêm gan B…

 - Từ xưa đến nay bệnh ung thư vẫn luôn tồn tại nhưng trước kia ông bà ta nhiều khi không biết mình có bệnh, một phần do khả năng chẩn đoán ung thư có hạn, phần khác người chết vì các bệnh truyền nhiễm, tuổi thọ trung bình thấp, không đủ thời gian cho ung thư phát bệnh.

- Ngày nay, cuộc sống đã cải thiện nhiều, vệ sinh phòng bệnh tốt hơn, nhiều bệnh trước là bệnh nan y nay đã có thuốc chữa, con người sống lâu, sống khoẻ hơn. Các khối u ác tính có thể phát triển đến mức biểu hiện bằng các triệu chứng và dấu hiệu, có thể chẩn đoán được, vì thế mà tỷ lệ ung thư ngày nay cao hơn; ô nhiễm môi trường do các chất thải công nghiệp, đô thị hoá, các hoá chất dùng trong sản xuất và đời sống... được coi là những yếu tố nguy cơ đối với sự hình thành ung thư.

Làm gì để phát hiện sớm ung thư?

Để phát hiện bệnh sớm, cần khám sức khỏe định kỳ-tầm soát (khi chưa có triệu chứng) một số bệnh ung thư thường gặp như ung thư đại trực tràng, ung thư vú,…

Khám ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ ung thư: các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần hoặc tái đi tái lại:

- Ho kéo dài, ho ra máu.

- Chảy máu mũi; nghẹt mũi liên tục 01 bên; nghe kém hoặc ù tai 01 bên

- Nuốt nghẹn; ăn chậm tiêu; đi tiêu có máu, phân dẹt, nhỏ; tiêu chảy xen kẻ táo bón; đau quặn bụng, sôi bụng.

- Hạch không đau, to dần nhất là hạch vùng cổ, nách

- Vú có u, cục sờ cứng, không đau.

Đến y tế chuyên khoa có nội soi, sinh thiết (xét nghiệm tế bào) để khám. Phát hiện sớm giai đoạn I, II chữa khỏi càng cao, chi phí thấp. Phát hiện muộn giai III, IV di căn , khó chữa khỏi, chi phí cao, gánh năng cho gia đình-xã hội, giảm thọ.

Ung thư có thể điều trị khỏi không?

Phát hiện càng sớm ung thư (giai đoạn I, II –chưa di căn xa) thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao, chi phí thấp. Ngược lại phát hiện muộn (giai đoạn III, IV – di căn xa), việc điều trị gặp nhiều khó khăn, khó khỏi bệnh, thời gian sống ngắn lại, chi phí lớn. Một số ung thư có tỉ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt quá 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng…

Có thể phòng, tránh gây ung thư được không?

- Nếu loại bỏ, tránh hoặc giảm tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư vừa nêu trên, có thể phòng được 1/3 bệnh ung thư. Một số yếu tố, tác nhân gây ung thư có thể thay đổi và dự phòng được như hút thuốc, uống rượu, nhai trầu, lối sống ít vận động, thói quen ăn uống không lành mạnh, sinh hoạt tình dục không an toàn lây nhiễm virus HPV, không tiêm phòng viêm gan B dẫn đến lây nhiễm và tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời…

- Tránh các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh ung thư: thuốc lá, rượu, chất phóng xạ, thức ăn cháy đắng, đồ ăn chiên, xào nhiều mỡ, chất phụ gia thực phẩm để tạo màu và bảo quản..., viêm gan siêu vi B, C.

- Tăng cường sức khoẻ để có sức đề kháng tốt nhất.

- Phát hiện bệnh sớm: một bí quyết đối phó tốt với bệnh ung thư là phát hiện sớm và điều trị ngay

Các triệu chứng nghi ngờ ung thư?

- Nên khám ngay khi có một trong các dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ, cảnh báo ung thư: Ho kéo dài điều trị thông thường không khỏi, khạc đờm có máu (K phổi). Nuốt bị nghẹn (K thực quản). Cảm giác nặng nề vùng dưới mỏm ức (vùng thượng vị) kèm theo ăn chậm tiêu kéo dài, nôn hoặc đại tiện ra máu, mặc dù có hay không có triệu chứng về dạ dày (K dạ dày). Cảm giác nặng nề khó chịu vùng sườn bên phải không rõ nguyên nhân, kéo dài vài tuần (K gan). Đại tiện phân có máu, đặc biệt là máu cá hoặc nhầy lẫn máu kéo dài trong vài tuần mặc dù không có thay đổi số lần đi trong ngày, phân dẹt mỏng kéo dài (K đại, trực tràng). Rối loạn đại tiện, đi phân lỏng nhiều lần trong ngày kéo dài vài tuần sau đó tái diễn, hoặc rối loạn đại tiện, táo bón, tiêu lỏng thất thường kéo dài, thỉnh thoảng đau quặn bụng, sôi bụng hoặc trung tiện thì dễ chịu, trước thưa sau càng ngày càng tăng hơn (K đại tràng). Sờ có hạch (1 cái hoặc nhiều cái) ở bất cứ chỗ nào (dưới hàm, cổ, hõm đòn, nách, bẹn…) mà trước đây không có, hoặc trước đã có nhưng nay có nhiều lên hoặc to ra mà không đau (có thể di căn của K). Sờ có 1 hạch to ra nhanh mặc dù không đau ở bất kỳ chỗ nào (có thể là hạch thuộc K). Nghe kém hoặc ù một bên tai, ngửi kém một bên mũi, mắt mờ một bên, đau đầu một bên ngày càng tăng, khịt mũi có lẫn máu (K vòm họng).

- Khi có dấu hiệu nêu trên, nếu bị ung thư, thường ở giai đoạn muộn; nên khám bệnh ngay tại các bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn, chỉ định nội soi và hoặc sinh thiết (xét nghiệm tế bào) là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán ung thư.

- Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư; tạo thói quen cho người dân chủ động khám sàng lọc định kỳ để phát hiện ung thư. Với thông điệp “Ung thư – sàng lọc ngay, điều trị trong tầm tay”. Mọi người hãy quan tâm và thực hiện khám sàng lọc để phát hiện sớm bệnh ung thư.

Ung thư vú có dễ phát hiện không?

- Ung thư vú là loại phổ biến nhất trong các loại K ở nữ, tỷ lệ mắc khoảng 55/100.000 (khoảng 1.818 nữ có 1 mắc K vú), Việt Nam, năm 2018 có khoảng 15.000 cas mới, tử vong trên 6.000 cas

- Yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú:  Tuổi càng cao, nguy cơ mắc càng tăng, những người có người thân bị K thì có nguy cơ cao bị K; không sinh đẻ, không cho bú, có kinh sớm, mãn kinh muộn, sử dụng hormone thay thế, béo phì, ít vận động,...

Ung thư vú có thể phát hiện sớm bằng các Phương pháp tầm soát ung thư vú: Tự khám vú; Bác sĩ, nhân viên y tế khám; siêu âm tuyến vú; chụp nhũ ảnh.

Lịch tầm soát ung thư vú: thực hiện đều đặn và định kỳ

- Tự khám vú mỗi tháng; Bác sĩ, nhân viên ý tế khám vú mỗi 6-12 tháng;

- Chụp nhũ ảnh:  40-49 tuổi: mỗi năm 1 lần;  50 tuổi trở lên: mỗi 2 năm 1 lần

Tự khám vú: 

- Quan sát: Xuôi tay, quan sát xem các thay đổi ở vú như u cục, dầy lên, lõm da hoặc các thay đồi về màu sắc da. Đưa tay ra sau gáy, sau đó quan sát lại. Chống tay lên hông, làm cử động ngực lên xuống bằng động tác nâng hay hạ vai để quan sát chuyển động của vú.

 - Sờ nắn: Đưa tay phải ra sau gáy. Dùng tay trái sờ nắn vú phải, dung 4 ngón tay áp sát vào nhau thành 1 mặt phẳng, ép đều đặn lên các vùng khác nhau của tuyến vú vào thành ngực đề cảm nhận, phát hiện các u cục, các đám rắn của tuyến vú. Nặn nhẹ đầu vú xem có dịch chảy ra không. Kiểm tra hố nách, có hạch, u cục không?  Sau đó làm tương tự với bên trái.

- Khi có bất thường cần khám ngay tại chuyên khoa để sinh thiết xác định

Lối sống (thói quen) nào có thể làm giảm nguy cơ ung thư?

- Không sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào

- Không hoặc hạn chế tối đa uống rượu, bia

- Tập thể dục ít nhất 3 lần một tuầnDuy trì cân nặng hợp lý ( BMI= 18.5- 23).

Ăn uống hợp lý: Giảm thiểu các thực phẩm mặn, bảo quản bằng nhiều muối, như dưa chua cà muối, thịt xông khói. Hạn chế các thực phẩm giàu đạm có nitrite- nitrate, như dăm bông, xúc xính, lạp sườn…; Ưu tiên các thực phẩm tươi hạn chế dùng thực phẩm công nghiệp và thực phẩm bảo quản dài ngày. Loại bỏ các thực phẩm đã bị hư hỏng ôi thiu, ẩm mốc, hoặc bất kì dấu hiệu cảm quan khác biệt nào (màu sắc, mùi, vị…); Chế biến thực phẩm bằng phương pháp đơn giản, nhanh, và với nhiệt độ thấp như hấp, luộc, xào nhanh… Hạn chế tối đa việc làm chín thực phẩm trực tiếp trên lửa (nướng, quay, xông khói…). Loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm đã bị cháy khét. Ăn nhiều rau, trái cây, củ, quả, ngũ cốc,…

- Sinh hoạt tình dục lành mạnh, tiêm vắc xin phòng virus gây u nhú ở nữ (HPV); tiêm ngừa viên gan siêu vi B; điều trị nhiễm trùng HP dạ dày nếu có.

Thức ăn nào có lợi cho người cao tuổi?

 Thức ăn giàu chất xơ, các loại rau xanh, trái cây tươi như cam, bưởi..., những loại trái cây có màu đỏ như gấc, đu đủ...., bánh quy, sữa...các thực phẩm có bổ sung canxi, vitamin D đề phòng loãng xương do thiếu canxi. Cá loại dầu thực vật, dầu cá, dầu đậu nành.

Thức ăn nào người cao tuổi nên tránh?

- Tránh các món ăn nhiều dầu mỡ như thịt kho nước dừa, thịt nấu đông, các loại thịt quay, nội tạng động vật (tim, gan, ruột).

- Không dùng thức ăn nấu lại nhiều lần.

- Không nên ăn nhiều rau củ quả muối chua: dưa cải, muối chua, kim chi... những thức ăn lên men thường chứa nhiều muối và mất đi lượng vitamin cần thiết, vì vậy người cao tuổi không nên ăn nhiều.

Những điều cần chú ý khi ăn đối với người cao tuổi?

Tránh ăn quá no, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ. Ổn định giờ ăn trong ngày, thức ăn mềm. Người cao tuổi trí nhớ suy giảm ăn rồi lại quên, nói là chưa ăn. Một số người ăn nhưng không thấy cảm giác no, nên ăn quá mức, ăn thừa.

Đồ uống nào có lợi cho sức khoẻ người cao tuổi?

Nước đun sôi để nguội, nước ép trái cây như bưởi, cà chua, táo...; tránh các loại trái cây quá ngọt hay quá chua; hạn chế dùng nước ngọt các loại có gas; ban đêm tránh uống các thức uống có chưa chất kích thích như cà phê, trà, sô-cô-la, rượu.

Uống như thế nào để tốt cho sức khoẻ người cao tuổi?

- Mỗi ngày uống khoảng 1,5 lít đến 2 lít.

- Khi uống nước, không vừa uống vừa trò chuyện vì có thể sặc nước vào phổi gây nhiễm trùng hô hấp.

- Uống từng ngụm nhỏ, chậm cho đến hết 1ly nước khoảng 200ml mỗi lần.

- Nên uống nước vào buổi sáng, hạn chế tối đa uống nước trước khi đi ngủ.

Nguyên tắc ăn uống lành mạnh cho người cao tuổi là gì?

- Ưu tiên các loại rau và hoa quả.; chia làm nhiều bửa ăn nhỏ.

- Đa dạng hoá các loại thực phẩm; đồ ăn cần có độ mềm.

- Nên ăn nhạt; nên ăn chậm; uống nhiều nước.

Tại sao cần phải khám sức khỏe định kỳ?

Nguyên nhân tử vong hàng đầu từ 45 tuổi trở lên: Ung thư, Bệnh tim mạch (tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, suy tim); Bệnh mạch máu não/đột quỵ; Đái tháo đường,... Các Bệnh này là “ kẻ giết người thầm lặng” thường không hoặc ít có triệu chứng, khi có triệu chứng thì bệnh đã nặng, tỷ lệ tử vong cao, điều trị khó, chi phí nhiều, để lại nhiều di chứng nặng nề,.. Khám sức khỏe định kỳ sẽ phát hiện sớm các bệnh nêu trên để điều trị sớm, ngăn chặn tàn tật và tử vong sớm

Ai cần khám sức khỏe định kỳ, cần khám bộ phận, cơ quan nào, xét nghiệm gì?

Khuyến nghị áp dụng cho tất cả mọi người, rất cần thiết cho người từ 50 tuổi trở lên

- Đo huyết áp mỗi 3 tháng

- Khám tổng quát (như khám sức khỏe xin việc, khám định kỳ người cao tuổi) mỗi năm

- X-quang phổi mỗi năm.     

- Đo điện tim mỗi năm.

- Siêu âm bụng mỗi năm 

- Công thức máu mỗi năm

- Đường máu, mỡ máu, từ 35 tuổi, mỗi 1-2 năm 01 lần

- Viêm gan  siêu vi B, C: Nếu âm tính hoặc có kháng thể, không cần xét nghiệm lại. Nếu có nhiễm, chưa có kháng thể, xét nghiệm định kỳ 3-6 tháng định lượng, nêu cao cần khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị

- Soi toàn bộ đại tràng, từ 50 tuổi, mỗi 10 năm 01 lần

- Xét nghiệm PSA, từ 50 tuổi, mỗi năm 01 lần tầm soát ung thư tiền liệt tuyến ở nam

- Chụp nhũ ảnh, nữ từ 40 tuổi trở lên, mỗi 2-3 năm 01 lần

- Khám phụ khoa, xét nghiệm tế bào cổ tử cung mỗi 2-3 năm với nữ có chồng từ 21 tuổi.

Khi có tiền sử gia đình có người thân (cha, mẹ, Anh, chị, em ruột) mắc bệnh ung thư thì nên bắt đầu tầm soát khoảng 10 năm trước tuổi mà thành viên trẻ nhất trong gia đình mắc bệnh ung thư./.

Trần Quang Vinh - Khoa Khám bệnh.