Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Hướng dẫn cách sơ cứu vết thương đứt rời
01/04/2024

 

Chấn thương hệ thống cơ xương khớp được phân thành nhiều loại và mức độ khác nhau bao gồm: gãy xương, trật khớp, bong gân, chấn thương phần mềm từ đơn giản cho đến phức tạp. Trong số các loại chấn thương thì đứt rời chi thể là một loại tổn thương phức tạp, phối hợp nhiều loại tổn thương tại một vị trí cơ quan làm đứt rời hoàn toàn hoặc gián đoạn tất cả cấu trúc xương, mô mềm, mạch máu, thần kinh. Người có vết thương đứt rời phải đối mặt với việc mất phần chi đứt nếu không được xử trí đúng cách, kịp thời, đều đó không những  ảnh hưởng về mặt chức năng của cơ quan mà còn ảnh hưởng về mặt tâm lý, thẩm mỹ người bệnh.

Ngày nay với sự tiến bộ về y học, việc ghép nối phần chi thể đứt rời là hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, để việc ghép nối thành công và nâng cao khả năng hồi phục sau này thì việc sơ cứu ban đầu, ngay sau khi chấn thương là một việc làm vô cùng quan trọng.

Mục đích của sơ cấp cứu gồm hai việc quan trọng là bảo đảm tính mạng nạn nhân, đồng thời xử lý phần chi thể bị đứt rời tạo điều kiện ghép nối lại sau này. Do đó, yêu cầu người tiến hành sơ cấp cứu phải thật bình tĩnh, đánh giá nhanh tổn thương của nạn nhân, xử trí thương tổn theo cấp bậc ưu tiên: (1) đường thở - đảm bảo bệnh nhân thở được, (2) tim mạch - bệnh nhân còn nhịp tim, mạch đập, cầm máu tốt cho bệnh nhân, (3) cố định đầu khi nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ. Ngay sau khi đã thực hiện các bước trên thì tiến hành sơ cứu đến phần chi thể đứt rời.

Xử trí phần chi thể bị đứt rời tại hiện trường

- Loại bỏ bớt dị vật, đất, bụi,.. bám trên chi thể đứt rời. Lưu ý không rửa bằng nước sạch vì dung dịch này là dung dịch nhược trương có thể gây tổn thương tế bào dẫn đến khó hồi phục sau ghép nối.

- Quấn phần chi thể đứt rời bằng vật liệu sạch, mềm như mảnh vải, khăn mặt, khăn tay, vải màn,…

- Đặt phần chi thể bị đứt rời đã được quấn kín trong một túi nilon sạch, buộc kín, không để nước thấm vào rồi đặt toàn bộ túi nilon trong một chậu chứa đá lạnh, thùng chứa đá lạnh hoặc đơn giản nhất là cho vào trong một túi nilon khác có chứa đá lạnh. Mục đích của việc giữ lạnh phần chi thể bị đứt rời là làm giảm quá trình chuyển hóa mô và làm chậm quá trình hoại tử . Không để phần chi thể bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá do nhiệt độ quá lạnh làm chết mô không thể phục hồi.

- Nhanh chóng vận chuyển phần chi thể bị đứt rời và nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được nhân viên y tế xử trí tiếp theo.

Xử trí phần chi thể bị đứt rời tại cơ sở y tế tuyến xã, huyện

- Rửa sạch phần chi thể bị đứt rời bằng nước muối sinh lý vô khuẩn (dung dịch Natrichlorid 9‰).

- Quấn kín phần chi thể bị đứt rời bằng gạc tẩm bằng nước muối sinh lý vô khuẩn. Đặt phần chi thể bị đứt rời đã được quấn kín trong một túi nilon sạch, buộc kín, không để nước thấm vào rồi đặt toàn bộ túi nilon trong một chậu chứa  đá lạnh hoặc thùng chứa đá lạnh.

- Chuyển phần chi thể bị đứt rời và bệnh nhân đến tuyến chuyên khoa để ghép nối chi.

- Thời gian vàng để nối lại chi thể bị đứt rời là 6 giờ tính từ lúc bị đứt cho đến khi các bác sĩ khâu nối và khôi phục lại tuần hoàn cho phần chi thể bị đứt. Tuy nhiên theo y văn, thời gian để cứu sống chi đứt rời có thể đến lên đến 12 giờ tính từ khi bị đứt cho đến khi khôi phục lại tuần hoàn, tuy nhiên chức năng có thể hạn chế hơn.

Sơ cứu phần chi thể đứt rời có vai trò rất quan trọng trong việc ghép nối phần đứt rời trở lại cơ thể và khả năng hồi phục sau này. Nếu không được xử lý đúng cách phần chi thể đứt rời sẽ hoại tử hoặc nhiễm khuẩn, khi đó không thể nối ghép trở lại cơ thể dẫn đến hậu quả tàn tật vĩnh viễn.

Lê Thị Cẩm Nhung – Khoa Cấp cứu – Nội tổng hợp.