Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Cảnh giác với dị vật trong mũi trẻ & cách xử trí đúng
16/01/2023

 

Khi các con rất hiếu động mà trong nhà đa phần là ông/bà lớn tuổi không thể quan sát liên tục các hoạt động của trẻ nhỏ, vì vậy nguy cơ xảy ra các tai nạn mắc dị vật là khá cao. Những loại vật có kích thước nhỏ các bé có thể cho vào mũi như pin nút áo, nắp bút bi, các loại hạt, bánh kẹo có hình dạng tròn nhỏ,... đều là những nguy cơ tiềm ẩn. Ngày 28/12/2022 vừa qua, Khoa Cấp cứu- Nội tổng hợp đã tiếp nhận 01 trường hợp bé gái Võ Trần Bách L, sinh năm 2019, ngụ ấp Lý Quàn 1, Xã Phú Đông bị dị vật mũi. Qua lời kể của bà mẹ cách vào viện 2 ngày thì bé ở nhà với bà ngoại và anh trai hơn 5 tuổi, do thiếu quan sát nên bé tự nhét khoanh thun vào mũi và thường bị chảy nước mũi, ngứa mũi, có đi khám tư nhưng không hết (bé không nói với mẹ), cùng ngày vào viện bé mới nói với mẹ là nhét dị vật vào mũi nên mẹ đưa đến bệnh viện.

Bác sĩ Phan Thanh Hải - Khoa Cấp cứu Nội tổng hợp lấy dị vật từ mũi của bệnh nhân nhi.

Khi bác sĩ thăm khám thì phát hiện khoanh thun trong mũi trái của bé. Bác sĩ lấy dị vật mũi bằng các dụng cụ chuyên dụng qua khám bằng đèn clar sự trợ giúp của điều dưỡng và tiến hành lấy dị vật trong mũi ra. Sau khi lấy được dị vật ra xong rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý Natriclorid 0.9 % và được điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm,.... Phần lớn dị vật trong mũi trẻ em xuất hiện vì nhiều lý do, hầu hết đều là hành động chủ ý do sự tò mò của trẻ hoặc do bạn nhét vào mũi ở lứa tuổi mẫu giáo. Điều quan trọng là  các phụ huynh không nên la mắng khi phát hiện trẻ có hành động cho vật lạ vào miệng, mũi hay tai vì chúng có thể sẽ lo sợ mà không thông báo vấn đề đang gặp phải. Và nó làm cho việc phát hiện ra dị vật chậm trễ hơn. Đa số dị vật có thể quan sát được trong điều kiện đầy đủ ánh sáng và với một vài dụng cụ. Nếu dị vật ở sâu phía trong hoặc có biến chứng nhiễm trùng xoang nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thăm khám bằng nội soi.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ bị dị vật trong mũi, không nên bịt bông vào cửa mũi vì có thể làm dị vật chui sâu hơn. Tốt nhất hãy đưa trẻ tới chuyên khoa tai - mũi - họng để các bác sĩ có chuyên môn lấy những dị vật ra một cách dễ dàng và an toàn. Nếu dị vật là cục pin thì cần phải được lấy ra khỏi mũi càng sớm càng tốt vì pin bị phân hủy bởi dịch mũi gây hoại tử mô xung quanh.

Không nên cố lấy dị vật trong mũi bé ra ngoài bằng tăm bông hay các dụng cụ không chuyên dụng khác, vì nó có thể làm rơi dị vật từ mũi xuống họng và vào đường thở rất nguy hiểm.

 Những biện pháp giúp phòng ngừa dị vật trong mũi:

      - Hãy luôn quan sát trẻ trong lúc chúng vui chơi để kịp thời ngăn chặn các hành động đưa đồ vật lên miệng, mũi, tai. Hạn chế mua những đồ dùng hay đồ chơi có chi tiết quá nhỏ cho trẻ. Đồng thời, bạn không nên la mắng trẻ nếu bắt gặp chúng đưa vật lạ lên mặt.

     - Với những trẻ lớn hơn, bạn có thể nhẹ nhàng giải thích về chức năng của đường hô hấp và những nguy hiểm có thể gặp phải nếu đưa vật lạ vào trong mũi.

     - Ngoài ra, cũng không nên để trẻ vừa ăn vừa chơi hay cười nói trong khi ăn uống để tránh tình trạng sặc dẫn đến các mảnh đồ ăn di chuyển nhầm vào đường hô hấp. Giữ các đồ vật nhỏ, nguy hiểm tránh xa tầm tay của trẻ em./.

Nguyễn Thị Hồng Mụi - Khoa Cấp cứu - NTH.