Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà
21/03/2023

Hầu hết bệnh nhân khi phát hiện mắc ung thư đều có tâm lý lo lắng, hoang mang, thậm chí suy sụp nghiêm trọng. Cùng với quá trình trị liệu lâu dài đã tác động to lớn đến bệnh nhân từ thể chất cho đến tinh thần. Vì vậy, việc chăm sóc, động viên đối với bệnh nhân ung thư là rất quan trọng nhằm giúp người bệnh giảm nhẹ các triệu chứng, ổn định tâm lý, cải thiện tình trạng sức khoẻ, tiếp tục tinh tưởng điều trị bệnh. Một số tham vấn về chăm sóc căn bản đối với bệnh nhân ung thư như sau,

1. Chăm sóc sức khỏe tinh thần

Chấp nhận căn bệnh ung thư cũng như chung sống với nó trong phần đời còn lại với nhiều bệnh nhân thực sự là một thử thách. Giúp họ lấy lại được sự cân bằng tâm lý là một điều quan trọng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà, qua những phương pháp sau:

Trò chuyện,  lắng nghe, cảm thông, và chia sẻ thật lòng là cách tốt nhất để chăm sóc bệnh nhân ung thư về mặt cảm xúc: một trong những việc quan trọng nhất là trò chuyện, tâm sự, bởi bệnh nhân ung thư rất dễ bi quan, thu mình và dần trở nên tuyệt vọng. Hãy trò chuyện nhiều hơn mỗi khi có thể, hãy để bệnh nhân là trung tâm của cuộc nói chuyện, hãy cố gắng lắng nghe, tôn trọng và thấu hiểu bệnh nhân. Hãy để bệnh nhân cảm thấy được cảm thông, chia sẻ, và những cuộc nói chuyện cởi mở sẽ giúp bệnh nhân dần lấy lại được tinh thần. Cần lưu ý tới những dấu hiệu bệnh nhân muốn tự sát và thông báo cho các thành viên khác trong gia đình để tất cả mọi người cùng cảnh giác.

Giúp bệnh nhân ung thư tham gia các hoạt động ưa thích: dù ngay cả khi bệnh nhân không còn đủ sức khỏe để tham gia các hoạt động ưa thích trước đây, hãy tìm một cách nào đó để họ cảm thấy bản thân vẫn tham gia được vào hoạt động đó. Điều này giúp bệnh nhân duy trì sự gắn kết với xã hội cũng như cảm thấy cuộc sống hiện tại không quá tồi tệ so với cuộc sống thường ngày trước khi mắc bệnh của họ.

Nhận ra dấu hiệu bệnh nhân cần được trợ giúp: bệnh nhân ung thư có thể trải qua rất nhiều cảm xúc khác nhau, như buồn rầu, căng thẳng, tức giận, lo âu, tuyệt vọng,... Do đó khi nhận thấy cảm xúc của bệnh nhân bất ổn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ cho bệnh nhân từ tư vấn viên, chuyên gia tâm lý, bác sĩ, hoặc các biện pháp giúp bệnh nhân thư giãn.

Ảnh minh họa. Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư – Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

2. Dinh dưỡng

Các cơ quan của bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối thường suy yếu đi, khiến họ kém ăn và tiêu hoá kém. Lúc này người chăm sóc cần chú ý kết hợp các loại thức ăn sao cho phù hợp với khẩu vị và cơ thể suy yếu của người bị ung thư. Nên cho bệnh nhân ăn các loại thực phẩm mềm dễ tiêu hoá, không chứa các chất kích thích. Nhiệt độ của thức ăn cần vừa phải, nên để nguội bớt trước khi cho người bệnh ăn. Tránh các loại thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ và nhiều muối. Các loại thức uống có gas, nhiều đường và chất hóa học cũng nên được hạn chế. Đối với bệnh nhân hay bị nôn thì cần lưu ý với bác sĩ để tuỳ theo tình trạng mà họ sẽ cho uống thuốc chống nôn.

3.Giảm đau

Ung thư giai đoạn cuối thường gây ra rất nhiều đau đớn cho bệnh nhân. Sự đau đớn sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sinh hoạt, giấc ngủ và đặc biệt là tâm trạng của người bệnh. Nên cân nhắc với các bác sĩ về việc sử dụng thuốc giảm đau cho bệnh nhân. Ngoài ra, người nhà cũng cần thường xuyên trò chuyện, động viên bệnh nhân để bệnh nhân hoặc thường xuyên đọc sách báo, xem tin tức hoặc phim ảnh cùng bệnh nhân để giúp phân tán sự chú ý của họ khỏi cơn đau. Nên khuyến khích bệnh nhân tự khống chế cơn đau của mình thay vì phụ thuộc vào thuốc.

4. Sử dụng thuốc

Bệnh nhân ung thư thường uống nhiều thuốc. Để có được lợi ích cao nhất trong quá trình điều trị, họ phải uống  thuốc một cách chính xác như được hướng dẫn. Tìm hiểu thêm về các loại thuốc đang được sử dụng là bước khởi đầu tốt trong việc quản lý thuốc cho người bị ung thư. Nếu không chắc chắn về bất kỳ loại thuốc nào, hãy hỏi ngay bác sĩ. Một số điểm cần lưu tâm khi cho bệnh nhân uống thuốc bao gồm: Đúng thuốc, đúng liều lượng, thời gian (trước bữa ăn, sau bữa ăn, sáng sớm,…), các triệu chứng bất thường khi bệnh nhân sử dụng thuốc hoặc các tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình điều trị bằng thuốc.

5. Vệ sinh cơ thể và nghỉ ngơi

Cần tạo cho bệnh nhân một không gian yên tĩnh, sạch sẽ, trong lành và thoải mái. Điều này sẽ giúp giảm căng thẳng và lo sợ trong quá trình điều trị. Hỗ trợ bệnh nhân giữ cơ thể sạch sẽ. Đối với những bệnh nhân nằm trên giường trong một thời gian dài thì cần chú ý kỹ hơn về vấn đề vệ sinh, phòng tránh các trường hợp bị hoại tử và biến chứng từ các bệnh khác.

Việc trang bị kiến thức về chăm sóc bệnh nhân ưng thư tại nhà sẽ giúp công tác chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân một cách tối ưu, khoa học. Vừa giúp bệnh nhân giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu vừa hỗ trợ, nâng cao chất lượng điều trị./.

Lê Thị Cẩm Nhung - Khoa Cấp cứu - NTH.