Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Thời gian nhìn vào màn hình nhiều hơn khi trẻ 1 tuổi có mối liên quan chặt chẽ với tình trạng chậm phát triển khi trẻ 2 tuổi và 4 tuổi
21/09/2023

Theo một nghiên cứu được công bố trực tuyến ngày 21 /8/2023 trên JAMA Pediatrics, thời gian nhìn màn hình ở trẻ 1 tuổi nhiều có liên quan đến tình trạng chậm phát triển về giao tiếp và giải quyết vấn đề khi trẻ 2 tuổi và 4 tuổi.

Ippei Takahashi từ Tohoku University ở Nhật Bản và các đồng nghiệp đã nghiên cứu mối liên quan giữa thời gian tiếp xúc với màn hình khi trẻ 1 tuổi và năm lĩnh vực chậm phát triển (giao tiếp, vận động thô, vận động tinh, giải quyết vấn đề và các kỹ năng cá nhân và xã hội) khi trẻ 2 tuổi và 4 tuổi. Phân tích được tiến hành trên 7.097 cặp mẹ con.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi so sánh với thời gian nhìn vào màn hình dưới một tiếng/ngày khi trẻ 1 tuổi so với nhó trẻ có thời gian nhìn vào màn hình nhiều hơn có liên quan đến nguy cơ cao hơn bị chậm phát triển khi trẻ 2 tuổi trong các lĩnh vực sau: giao tiếp (tỷ suất chênh [OR] là 1,61 đối với nhìn vào màn hình từ một tiếng đến dưới hai tiếng/ngày; 2,04 đối với nhìn vào màn hình từ hai tiếng đến dưới bốn tiếng/ngày; 4,78 đối với nhìn vào màn hình từ bốn tiếng/ngày trở lên), vận động tinh (tỷ suất chênh là 1,74 đối với nhìn vào màn hình từ bốn tiếng trở lên/ngày), giải quyết vấn đề (tỷ suất chênh là 1,40 đối với nhìn vào màn hình từ hai tiếng đến dưới bốn tiếng/ngày; 2,67 đối với nhìn vào màn hình từ bốn tiếng/ngày trở lên) và các kỹ năng cá nhân và xã hội (tỷ suất chênh là 2,10 đối với nhìn vào màn hình từ bốn tiếng trở lên/ngày). Khi trẻ 4 tuổi, nguy cơ cao hơn bị chậm phát triển đã được quan sát thấy khi thời gian nhìn vào màn hình tăng lên đối với giao tiếp (tỷ suất chênh là 1,64 đối với nhìn vào màn hình từ hai tiếng đến dưới bốn tiếng/ngày; 2,68 đối với nhìn vào màn hình từ bốn tiếng trở lên/ngày) và đối với giải quyết vấn đề (tỷ suất chênh là 1,91 đối với nhìn vào màn hình từ bốn tiếng/ngày trở lên).

Các tác giả kết luận: “Những phát hiện này cho thấy các lĩnh vực chậm phát triển cần phải được xem xét riêng biệt trong các cuộc thảo luận trong tương lai về thời gian nhìn vào màn hình và sự phát triển của trẻ”./.

Theo MSD Manual​.