Truy cập nội dung luôn

=============Chi tiết tin

Chủ động tầm soát để phát hiện bệnh lao và lao tiềm ẩn
19/04/2023

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam hiện nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao nhất trên thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 170.000 bệnh nhân lao và nếu không được chữa trị, mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm trung bình từ 10-15 người khác. Vì vậy, việc chủ động tầm soát để sớm phát hiện bệnh lao, lao tiềm ẩn là giải pháp quan trọng nhằm giảm bớt gánh nặng cho người bệnh và xã hội.

40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao gây nên. Bệnh có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể như: lao màng phổi, lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao xương khớp, lao màng bụng, lao hệ sinh dục - tiết niệu, lao ruột. Trong đó, bệnh lao phổi thường gặp nhất, chiếm 80-85% và là nguồn lây chính cho người xung quanh.

Tại Việt Nam, chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu không còn bệnh lao, hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng. Theo đó, các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới về điều trị đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Hiện tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới và xấp xỉ khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và với 80% bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. 

Từ ngày 1-7-2022, ngành y tế thực hiện khám chữa bệnh lao từ nguồn bảo hiểm y tế trong khi trước đó từ nguồn dự án, ngân sách nhà nước. 

Bệnh lao là “kẻ giết người thầm lặng”. Vì vậy phát hiện sớm chủ động lao, không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng. 

Được sự hỗ trợ của BV L&BP tỉnh Tiền Giang phối hợp trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông thực hiện chụp X-Quang phát hiện bệnh lao, lao tiến triển miễn phí cho người dân trên địa bàn xã Phú Thạnh. Ngoài ra, BV L&BP tỉnh Tiền Giang cũng thực hiện xét nghiệm lao tố để phát hiện các ca mắc lao tiềm ẩn trong cộng đồng.

Trong năm 2023, chương trình chống lao đang xây dựng kế hoạch triển khai phác đồ mới điều trị bệnh lao nhạy cảm trong 4 tháng (hiện nay 6 tháng) nhằm rút ngắn thời gian điều trị, giảm tác dụng phụ. Bệnh lao vẫn là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. WHO chọn ngày 24-3 là Ngày Thế giới phòng, chống lao. Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24-3, trạm Y tế xã Phú Thạnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, băng rôn, áp phích..., đồng thời tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, mạng xã hội nhằm tăng cường nhận thức của người dân về căn bệnh này./.

Trần Thị Cẩm Loan - TYT Phú Thạnh.